TP.HCM có nhiều nguồn lực hơn để phát triển đô thị. Ảnh: Tường Lâm |
TP.HCM được tăng thẩm quyền trong quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A
Nghị quyết này quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
Về quản lý đất đai, Quốc hội thông qua cơ chế HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa này phải thực hiện công khai lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Về quản lý đầu tư, HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội trước khi thông qua Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm rõ, việc Nghị quyết giao cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên là chuyển thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhằm phân cấp cho HĐND Thành phố quyết định tạo điều kiện để giảm thủ tục hành chính, giúp Thành phố chủ động trong việc sử dụng đất để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, theo UBTVQH, việc tăng thẩm quyền trong quản lý đầu tư cho TP.HCM cũng giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian triển khai thực hiện và tăng cường tính tự chủ cho Thành phố. Việc phân cấp thẩm quyền này cho HĐND Thành phố quyết định là phù hợp nhưng chỉ áp dụng cho các dự án nhóm A sử dụng ngân sách Thành phố; còn các dự án nhóm A sử dụng toàn bộ hoặc một phần nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW) vẫn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều cơ chế đặc thù về tài chính – ngân sách
Nghị quyết của Quốc hội thông qua nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước để tăng tính chủ động cho TP. HCM, đồng thời tạo dư địa để Thành phố tăng thu ngân sách.
Trong đó, Thành phố sẽ được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố. Theo quy định của Luật NSNN năm 2015, khoản thu này NSTW hưởng 100%.
Ngân sách Thành phố cũng được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND Thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu. Thành phố sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của Thành phố; ngân sách trung ương không bổ sung cho Thành phố 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Ngân sách Thành phố thực hiện vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư (nếu có) của các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố, cho phép Thành phố sử dụng ngân sách của mình, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của Thành phố, vay trong phạm vi quy định hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư (PPP) để sớm hoàn thành dự án.