TP.HCM: Nhà thầu thêm nặng gánh vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM hiện có hàng trăm công trình xây dựng đang thi công giữa vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19. Chi phí phát sinh khiến cả nhà thầu và người lao động đều lo lắng. Mục tiêu an toàn phòng dịch, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình đang đè nặng lên vai các chủ đầu tư, nhà thầu.
Việc vừa bảo đảm an toàn chống dịch, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Việc vừa bảo đảm an toàn chống dịch, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Từ đầu tháng 6/2021, hàng nghìn nhà thầu tại TP.HCM phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Do giãn cách toàn Thành phố ở mức cao nhất, hoạt động của các nhà thầu vừa gián đoạn, vừa phát sinh nhiều chi phí. Việc vừa bảo đảm an toàn chống dịch, vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư, nhà thầu.

Theo Ban Quản lý dự án cầu Thủ Thiêm 2, trên công trường này có tổng cộng 120 người lao động đang làm việc luân phiên theo ca kíp. Do dịch diễn biến phức tạp, Ban và nhà thầu đã triển khai mô hình 3 tại chỗ: thi công tại chỗ, chống dịch tại chỗ, ăn ở tại chỗ. Đồng thời, chủ đầu tư bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch. Dự án hiện đã hoàn thành 70% khối lượng, dự kiến được thông xe kỹ thuật tháng 9/2021, đưa vào sử dụng vào quý II/2022.

“Theo quy định, người lao động bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được ra vào công trình. Công ty có 20 cán bộ, kỹ sư thường xuyên ra vào các công trình nên buộc phải xét nghiệm. Với chi phí 400.000 đồng/người, 7 ngày/lần, 20 nhân sự đã làm chúng tôi tốn thêm 32.000.000 đồng/tháng”, giám đốc một công ty chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên, một số kỹ sư xây dựng làm việc tại Quận 12 cho biết: “Do dịch nên mọi thủ tục thanh toán từ phía Công ty đang bị chậm lại. Bản thân người lao động tự ứng tiền để lo thủ tục xét nghiệm mới được đi làm. Từ đầu mùa dịch đến nay, cá nhân tôi đã phải tự thanh toán gần hơn 2.000.000 đồng tiền xét nghiệm”.

Tại Quận 2 (thuộc TP. Thủ Đức), từ ngày 13/7/2021, doanh nghiệp phải có phương án “vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ”. Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ cho người lao động hoặc phải thuê chỗ ở tập trung bên ngoài doanh nghiệp, tổ chức quản lý chặt chẽ việc đưa đón, không được tự do di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Thực hiện chỉ đạo trên, nhiều nhà thầu xây dựng phải xoay xở lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho kỹ sư, công nhân. “Trụ sở công ty tại phường An Khánh đủ rộng nên chúng tôi bố trí mua ghế xếp và mùng mền để anh em sinh hoạt tại chỗ; tận dụng căng tin của Công ty để lo ba bữa cho người lao động. Những việc này đều phải làm gấp nên khó khăn khi tìm đơn vị cung ứng hàng hóa lẫn thực phẩm”, anh Liêm, một cán bộ nhà thầu xây dựng cho biết.

“Trước đây chỉ có bảo vệ mới ở lại ban đêm, nhưng nay nhà thầu phải bố trí chỗ ăn, ngủ, sinh hoạt cho toàn bộ công nhân tại công trường. Công nhân rất vất vả vì công trường là nơi làm việc, vừa ồn ào, bụi bặm, vừa thiếu thốn đủ bề”, một nhà thầu xây dựng dân dụng tại phường Trường Thọ cho biết.

Ngày 14/7/2021, Sở Xây dựng TP.HCM có công văn về việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố với yêu cầu phương châm "3 tại chỗ": làm việc tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Chủ đầu tư và đơn vị thi công bảo đảm thực hiện được phương châm: “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ công trường xây dựng đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Có xét nghiệm Covid-19 đối với người lao động định kỳ 7 ngày/lần. Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho nhân công vào đầu và cuối mỗi ca (trường hợp nhiệt độ cơ thể từ 37,5 độ C trở lên, báo ngay cho cơ quan y tế tại địa phương); bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Khử khuẩn bề mặt, thiết bị, máy móc tiếp xúc trực tiếp với nhân công; vệ sinh công trình xây dựng sau mỗi ca…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề