Ảnh: VGP |
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, việc khảo sát thị trường, kiểm tra các doanh nghiệp (DN) về khả năng cung ứng nguồn hàng chuẩn bị cho dịp Tết cho thấy, các đơn vị đã chuẩn bị chu đáo, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, hệ thống phân phối phủ rộng… Dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết năm nay sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng biến động về giá.
Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cho Tết Mậu Tuất 2018, các DN đã sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là hơn 17.812 tỷ đồng, tăng hơn 743 tỷ đồng (4,17%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là gần 7.045 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 17/1-15/2/2018 (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp Đinh Dậu), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là hơn 10.601 tỷ đồng. Trong đó, hàng bình ổn thị trường là hơn 4.166 tỷ đồng.
Các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết (từ ngày 15/1 đến hết ngày 15/3/2018), đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu, như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Là một trong những DN bình ổn chủ lực của thành phố, VISSAN đã xây dựng kế hoạch cung ứng ra thị trường trên 3.000 tấn thịt heo và thịt bò tươi sống (tăng 30%) và trên 3.500 tấn thực phẩm chế biến các loại (tăng 15%). Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt tết năm nay là 650 tỷ đồng. Với cách chuẩn bị như vậy, VISSAN bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả ổn định.
Để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm cao điểm trong dịp Tết, hiện nay, hệ thống siêu thị Big C đã chuẩn bị dự trữ nguồn hàng phong phú, đa dạng giúp người tiêu dùng có thể thỏa sức mua sắm không lo về giá. Big C dự kiến tăng khoảng 20% sản lượng để đáp ứng nhu cầu.
Bên cạnh việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường, Big C cũng sẽ duy trì hơn 30 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong chương trình “Giá rẻ mỗi ngày” (gồm các mặt hàng đường, sữa, trứng, thịt, cá, dầu ăn…) với giá không lãi nhằm hỗ trợ người tiêu dùng thoải mái mua sắm Tết mà vẫn tiết kiệm tối đa.
Nhằm bảo đảm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng góp phần ổn định thị trường, từ nay đến Tết Nguyên đán, các DN bình ổn thị trường TPHCM dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán, gồm 1 siêu thị, 24 cửa hàng tiện lợi, 196 điểm bán hàng của DN.
Bên cạnh đó, vào tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, DN trên địa bàn sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết, như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng.