Dự án Thảo Điền Sapphire vi phạm tăng diện tích tầng trệt, khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với diện tích lên đến gần 1.400m2. Ảnh: TPO |
Tỉ lệ chấp hành xử lý vi phạm xây dựng chỉ đạt 17,5%
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, từ đầu năm tới nay, thanh tra Sở đã phối hợp với UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn kiểm tra 24.449 công trình đang xây dựng, phát hiện 1.925 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Số vụ vi phạm sai phép tăng chủ yếu tại các Quận 9 (71 vụ), Quận 7 (64 vụ) và Hóc Môn (119 vụ). Số vi phạm không phép tập trung tại huyện Củ Chi (209 vụ), quận 9 (63 vụ) và huyện Cần Giờ (77 vụ).
Đáng chú ý, trong khi các vụ vi phạm xây dựng xảy ra nhiều thì tỉ lệ chấp hành các quyết định xử lý hành chính lại ở mức rất thấp: ở cấp xã là 44%, cấp quận/huyện là 33,6%, cấp thành phố chỉ 17,5%.
Thậm chí, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn còn cho biết, các vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm càng nghiêm trọng thì tỉ lệ chấp hành lại càng thấp.
“Nếu chúng ta không cứng rắn thì các dự án công trình lớn sẽ sai phép rất nhiều, phổ biến là sai phép chuyển công năng của các dự án nhà cao tầng. Mới đây, phải tới khi Chủ tịch UBND TPHCM ra quyết định cưỡng chế thì chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire mới có văn bản giải trình, xin không cưỡng chế mà tự nguyện tháo dỡ trong vòng 1 tháng”, ông Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng xây dựng không phép không chỉ xảy ra ở các địa bàn đang diễn ra quá trình đô thị hoá như: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Quận 9… mà cũng xuất hiện nhiều tại các quận đô thị như Quận 1, 3, 5, 8, 10, Phú Nhuận.
Lý giải về tỉ lệ xây dựng sai phép, không phép còn cao, đại diện các quận/huyện cho rằng một phần xuất phát từ nhu cầu nhà ở của người dân.
Phó Chủ tịch Quận 9 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, sở dĩ số lượng vụ xây dựng không phép trên địa bàn quận tăng vì sau khi Khu Công nghệ cao đi vào hoạt động đã kéo theo hàng chục ngàn công nhân từ các địa phương về nhập cư sinh sống. Số vụ xây dựng không phép tại quận 9 chiếm hơn 50% là người dân nhập cư, còn lại là các hộ nghèo sống trong khu vực đất quy hoạch. Bởi vậy, đa phần các công trình xây không phép ở Quận 9 đều là nhà lá, mái tôn ọp ẹp.
“Nếu chúng tôi không cưỡng chế thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu, mà cưỡng chế thì rất thương tâm. Quận đã giao cho các phường vận động mạnh thường quân tài trợ chỗ ở miễn phí cho bà con từ 3-6 tháng để tìm chỗ ở mới”, ông Tuấn Anh cho biết.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Việt Dũng, trong 7 tháng đầu năm 2017, huyện đã cấp phép 3.000 hồ sơ xây dựng, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Số công trình xây dựng mới tập trung chủ yếu ở các xã giáp ranh Quận 12 và Hóc Môn.
“Đây là những địa bàn có những khu công nghiệp mới nên số lượng người dân nhập cư tăng đột biến, gây sốt giá đất. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp xây dựng sai phạm diễn ra trong khu vực đất quy hoạch khu đô thị Tây Bắc. Huyện vẫn đang đề nghị thành phố hỗ trợ chỉ đạo tháo dỡ vướng mắc”, ông Dũng nói.
Bức tranh đô thị TPHCM còn rất phức tạp
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định, TPHCM là hỗn hợp giữa một đô thị cũ, hạ tầng đang chỉnh trang nâng cấp với hàng ngàn công trình đang xây dựng mới. Bởi vậy, xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế hiện nay, đòi hỏi phải có một quy hoạch tổng thể khoa học.
“Muốn giải quyết triệt để xây dựng không phép và sai phép thì phải xuất phát từ vấn đề cơ bản nhất là quy hoạch thành phố. Quy hoạch phải đón đầu cho 20-30 năm. Nhưng quy hoạch của chúng ta lại đang chạy theo các dự án trước mắt”, ông Tuyến nhận định.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng đô thị cần đặt vấn đề giao thông lên hàng đầu. Giao thông đi tới đâu thì cụm đô thị và thương mại dịch vụ kéo tới đó. Như vậy mới kéo giãn dân số tại khu vực trung tâm.
“Hiện nay, dân số tại huyện Cần Giờ và Củ Chi chỉ khoảng hơn 1 triệu người mà diện tích của hai huyện này chiếm phân nửa diện tích TPHCM. Còn lại khoảng 12 triệu dân đang sinh sống đông đúc tại nửa diện tích còn lại. Điều này cho thấy quy hoạch của thành phố đang có vấn đề, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép và sai phép”, ông Tuyến phân tích.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường cần xem lại tỉ lệ đất nông nghiệp cho phù hợp: “Phải có đất để đảm bảo an ninh nông nghiệp nhưng TPHCM hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, cần tính toán lại tỉ lệ đất nông nghiệp bởi nhu cầu về nhà ở của người dân đang rất lớn”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng cải tiến thủ tục cấp phép xây dựng còn đang nhiêu khê, gây phiền hà không nhỏ cho người dân.
Đối với trường hợp một số cán bộ thanh tra, trật tự đô thị tiếp tay cho các dự án sai phạm, ông Tuyến nhấn mạnh các sở ngành, địa phương cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.