Nên giao cho các quận, huyện xem xét từng dự án cụ thể đối với trường hợp xây dựng lại chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang đô thị. Ảnh: Tường Lâm |
Trong văn bản số 83 gửi đến lãnh đạo TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM ngày 8/8/2017, về việc góp ý quy định về bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư tại các dự án xây dựng lại chung cư cũ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã “cảnh báo” như vậy.
Theo HoREA, việc Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất trường hợp Nhà nước lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ để phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố, là chỉ mới đề xuất áp dụng một phương thức tái định cư tại chỗ.
Trong khi đó, phương thức tái định cư tại địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng quan trọng không kém nhưng không được đề cập tới.
Thông qua việc chỉ ra những bất cập trên, HoREA cho rằng, thành phố không thể quy định chỉ "thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ" theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, mặc dù đây là phương thức tốt nhất.
Về hệ số hoán đổi căn hộ chung cư, HoREA cho hay, cần khuyến khích các chủ đầu tư hoán đổi căn hộ mới lớn hơn căn hộ cũ, tối thiểu căn hộ mới có diện tích bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ; đảm bảo chủ sở hữu căn hộ góc (có 2 mặt hướng ra ngoài trời) cũng được tái bố trí căn hộ góc.
Mặt khác, chủ sở hữu căn hộ tầng trệt, hoặc đang kinh doanh thì được hoán đổi căn hộ mới với hệ số hoán đổi cao hơn, theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư, hoặc được mua, thuê cửa hàng kinh doanh, thương mại, dịch vụ (shop house) ở tầng trệt hoặc khối đế (nếu có) để tạo sự đồng thuận cao.
Đối với quyền định đoạt của chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư, HoREA đề xuất: chủ sở hữu chung cư được quyền chuyển nhượng căn hộ mới; hoặc căn hộ hình thành trong tương lai; hoặc suất tái định cư. Ngoài ra, chủ hộ ghép trong chung cư cũng được quyền chuyển nhượng suất tái định cư theo nhu cầu.
Riêng việc giải quyết tạm cư, theo HoREA, chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư được quyền lựa chọn chuyển đến khu nhà tạm cư do cơ quan nhà nước hoặc chủ đầu tư bố trí, được hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tái đào tạo; hoặc tự mình giải quyết tạm cư với chi phí tạm cư được thỏa thuận với chủ đầu tư.
Đặc biệt, trường hợp không xây dựng lại nhà chung cư tại vị trí cũ do không phù hợp quy hoạch và phải tái định cư tại nơi khác, HoREA nhất trí với đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM là đối với các trường hợp xây dựng lại chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang đô thị thì các quận, huyện sẽ xem xét từng dự án cụ thể.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong thực tế chung cư cũ được quy hoạch lại không phải là chung cư, trường hợp này không nhiều. Tuy nhiên đây là trường hợp không xây dựng lại chung cư tại vị trí cũ, nên việc thực hiện phải kết hợp với việc chỉnh trang đô thị, cần được xem xét từng trường hợp cụ thể.
Vì vậy, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất các đơn vị thống nhất là không đưa trường hợp này vào dự thảo Quy định mà thực hiện theo phương thức chỉnh trang đô thị (không phải thực hiện theo phương thức xây dựng lại chung cư tại vị trí cũ) để Sở Xây dựng TP.HCM sớm tổng hợp, trình UBND Thành phố ban hành.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA lý giải: Khoản 3 điều 112 Luật Nhà ở đã quy định: "Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được thực hiện theo dự án; khi phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải kết hợp cải tạo lại khu nhà ở trong khu vực của dự án theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt". Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, nên giao cho các quận, huyện sẽ xem xét từng dự án cụ thể đối với các trường hợp xây dựng lại chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang đô thị.