TP HCM xử lý mạnh tội phạm trục lợi bảo hiểm xã hội

Các sở ngành được yêu cầu tăng cường xử lý cá nhân, tập thể trốn đóng bảo hiểm, nợ đọng và trục lợi từ quỹ này.

Động thái này xuất phát từ kiến nghị của VKSND và Bảo hiểm xã hội TP HCM, trong bối cảnh chính sách về vấn đề này có một số thay đổi.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Bảo hiểm xã hội tăng cường tuyên truyền quy định mới về xử phạt, xử lý hình sự hành vi trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.

Để ngăn ngừa trục lợi, Bảo hiểm xã hội rà soát hồ sơ, kiểm tra hoạt động thực tế các trường hợp đề nghị giải quyết chế độ thai sản có thời gian đóng bảo hiểm từ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con, nhận con nuôi. Đơn vị này cũng cần rà soát trường hợp mức đóng bảo hiểm xã hội cao bất thường nghỉ việc; ngừng tham gia bảo hiểm khi hết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hoặc truy đóng bảo hiểm xã hội cộng nối thời gian để đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Các sở ngành liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin doanh nghiệp cho Bảo hiểm xã hội; thanh kiểm tra tình hình đăng ký lao động, hợp đồng lao động và tiền lương; thanh tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Công an TP HCM sẽ phối hợp để nắm bắt phương thức, thủ đoạn mới vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Một trong bốn thay đổi lớn về chính sách bảo hiểm xã hội là phạt đến 7 năm tù với chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung tội Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Tình tiết phạm tội nặng nhất bị phạt tiền từ 500 triệu đến một tỷ đồng, hoặc phạt tù 2-7 năm với trường hợp trốn đóng bảo hiểm một tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung thanh tra tất cả các doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, tiến tới xử lý và kiến nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật.

Chuyên đề