TP. Hải Phòng: Hai dự án ODA chậm giải ngân, đề xuất điều chuyển vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND TP. Hải Phòng vừa đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án ODA trên địa bàn. Đề nghị này xuất phát từ việc 2 dự án ODA tại Hải Phòng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, nguy cơ không thể thực hiện được kế hoạch vốn đã giao. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Hải Phòng đề xuất điều chuyển vốn sang một dự án ODA khác có tiến độ giải ngân tốt.
Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG), nhiều thủ tục phải xin ý kiến Ban QLDA VILG cấp TW và WB trước khi triển khai. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG), nhiều thủ tục phải xin ý kiến Ban QLDA VILG cấp TW và WB trước khi triển khai. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

UBND TP. Hải Phòng vừa có báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 (kỳ báo cáo tháng 10) gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trong đó, UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, có 2 trong tổng số 3 dự án ODA trên địa bàn có nhiều vướng mắc trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Theo đó, Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) và Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển TP. Hải Phòng (FMCR) là 2 dự án theo mô hình dự án Ô (là chương trình, dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản -chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án). Hai dự án này đều có tỷ lệ vay lại là 50%. Theo cơ chế giải ngân các dự án Ô, phải đảm bảo giải ngân 1 đồng vốn ODA cấp phát tương ứng 1 đồng vốn ODA vay lại. Tuy nhiên, thực tế kế hoạch đầu tư công năm 2022 giao cho Thành phố có sự không cân bằng khi kế hoạch vốn ODA cấp phát là 179,162 tỷ đồng nhưng vốn ODA vay lại chỉ có 12,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND TP. Hải Phòng cho biết, quy trình thực hiện dự án Ô phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Cụ thể, ở Dự án VILG, nhiều thủ tục phải xin ý kiến Ban Quản lý dự án (QLDA) VILG cấp Trung ương (TW) và Ngân hàng Thế giới (WB) trước khi triển khai, nhất là các hoạt động về đấu thầu kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị. Theo quy định của WB, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị của Dự án được thực hiện theo hình thức thỏa thuận khung, Ban QLDA cấp TW đấu thầu lần 1, chọn ra danh sách ngắn các nhà thầu, Ban QLDA địa phương đấu thầu lần 2 chọn một đơn vị trong danh sách ngắn nêu trên. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2021, Ban QLDA cấp TW mới đấu thầu lần 1 và hướng dẫn địa phương đấu thầu lần 2, làm chậm tiến độ giải ngân, số vốn giải ngân năm 2021 phải chuyển sang năm 2022. Hiện nay, Chủ đầu tư mới giải ngân được vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022, chưa có khối lượng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Ngoài ra, việc chậm giải ngân do quy định không đồng ý giải ngân từng hạng mục hoàn thành tại Hiệp định ký kết với WB.

Đối với Dự án FMCR, khó khăn, vướng mắc nằm ở thời gian thẩm định và phê duyệt danh mục công trình có cấu phần xây dựng kéo dài. Quy trình rà soát, tổng hợp điều chỉnh dự án và đàm phán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với WB mất nhiều thời gian. Tháng 4/2022, UBND TP. Hải Phòng có văn bản về việc tham gia Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án FMCR, trong đó báo cáo Bộ NN&PTNT đồng ý về các nội dung điều chỉnh, gồm: thời gian thực hiện Dự án từ năm 2018 đến năm 2026; giảm quy mô thực hiện Dự án; giảm tổng mức đầu tư thực hiện Dự án từ 885,86 tỷ đồng xuống còn 322,3 tỷ đồng. Tới tháng 9/2022, Bộ NN&PTNT mới có Tờ trình số 5776/TTr-BNN-HTQT trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Với dự án ODA còn lại (Dự án Nâng cấp Nhà máy Nước An Dương sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản), UBND TP. Hải Phòng cho biết, tiến độ thực hiện tốt và mang tính đặc thù, nhà tài trợ giải ngân trực tiếp cho nhà thầu tại Nhật Bản. Dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ODA cấp phát là 408,089 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi lớn về tỷ giá, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh tăng lên 492,477 tỷ đồng. Hiện Dự án đã giải ngân hết số vốn được bố trí năm 2022 là 118,378 tỷ đồng, kế hoạch vốn không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Để bảo đảm hiệu quả đầu tư, UBND Thành phố đề xuất xem xét điều chỉnh giảm vốn ODA cấp phát năm 2022 của 2 dự án VILG và FMCR là 54,284 tỷ đồng; đồng thời giảm vốn nước ngoài cấp phát năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 từ 24,489 tỷ đồng xuống 6 tỷ đồng (giảm 18,489 tỷ đồng). Đồng thời báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho phép điều chuyển 71,045 tỷ đồng vốn ODA cấp phát trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng - giai đoạn 1 (sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc) sang Dự án Nâng cấp Nhà máy Nước An Dương. Cùng với đó, điều chuyển 51,529 tỷ đồng từ vốn ODA cấp phát của 2 dự án FMCR và VILG để bổ sung vốn ODA cấp phát viện trợ không hoàn lại cho Dự án Nâng cấp Nhà máy Nước An Dương. UBND TP. Hải Phòng khẳng định, việc bổ sung vốn cho Dự án sẽ đảm bảo giải ngân ngay trong kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Chuyên đề