Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois De Rugy phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Phát biểu trước đông đảo quan chức, đại diện doanh nghiệp và người dân hai nước, Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois De Rugy nêu rõ trong suốt chặng đường lịch sử chung, có những lúc thăng, lúc trầm, nhưng quan hệ sâu đậm giữa hai dân tộc đã được dệt lên theo dòng thời gian. Một chặng đường lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa ở một số thành phố lớn ở Việt Nam với một số công trình kiến trúc. Ngày 13/4/1973, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang mới trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Những năm tháng sau này, trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Pháp đã vượt qua khó khăn để đứng bên Việt Nam. Chặng đường lịch sử đã qua là nền tảng vững chắc cho tương lai mà hai nước chung tay xây dựng.
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp chính là cầu nối quan hệ hai nước, đóng góp tích cực vào xây dựng đất nước Pháp. Việt Nam là đối tác quan trọng của Pháp ở khu vực Đông Nam Á đang phát triển năng động. Năm 2013, hai nước đã ký kết đối tác chiến lược và cùng nhau hợp tác trên nhiều bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, trên kênh Nghị viện, quân sự và chiến lược… Việt Nam là trụ cột của ASEAN với mức tăng trưởng cao, trong 30 năm qua GDP đã tăng 15 lần. Các doanh nghiệp Pháp có mặt nhiều hơn để cùng làm việc với các đối tác Việt Nam. Khoảng 7000 sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp, trong đó có nhiều bạn trẻ có quá trình học tập ưu tú, xuất sắc, đây là lực lượng quan trọng củng cố quan hệ hai nước. Hai nước đã hợp tác xây dựng các cơ sở giáo dục tiên tiến ở Việt Nam, cùng nhau đối đầu với những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Tổng Bí thư nêu rõ, trong suốt 45 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Pháp luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Quan hệ với Pháp giữ vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các mối quan hệ trao đổi giữa hai nước trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, cho phép hai bên tham khảo và chia sẻ quan điểm gần gũi trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Sự hiện hữu của Pháp tại Việt Nam vẫn tồn tại cùng thời gian qua các công trình kiến trúc suốt từ Bắc đến Nam như Nhà hát Lớn Hà Nội, cầu Long Biên hay Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh…
Khó có thể phủ nhận những nét văn hóa Việt Nam, tính nhạc điệu của tiếng Việt trong những tác phẩm của Marguerite Duras hay sự mến mộ của người dân Việt Nam đối với bác sĩ Alexandre Yersin. Sự giao thoa về văn hóa giữa nhân dân và hai nước là vô cùng sôi động và đa dạng. Vẻ đẹp và sức hấp dẫn của văn hóa Pháp luôn được trân trọng, ngưỡng mộ tại Việt Nam. Viện Pháp tại Việt Nam đã mở thêm nhiều chi nhánh tại một số thành phố lớn của Việt Nam. Và ngược lại, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, một trong hai cơ sở văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài, từ 10 năm nay không ngừng hoàn thành sứ mệnh truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam tại nước Pháp.
Từ nhiều năm nay, Pháp không chỉ là nhà tài trợ song phương hàng đầu châu Âu cho Việt Nam mà còn là đối tác hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Trong hợp tác giữa hai nước, giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học luôn chiếm vị trí ưu tiên. Hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của hai nước, hiện có khoảng 7.000 sinh viên và thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Pháp. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và sắp tới Trường Đại học Quản lý châu Âu (EMU) đang tham gia vào mạng lưới đồ sộ về hợp tác văn hóa, giáo dục giữa hai nước, mang tới cho sinh viên Việt Nam nhiều cơ hội học tập và trải nghiệm trong môi trường quốc tế. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được mở rộng với sự tham gia của 20 địa phương của Pháp và 15 tỉnh, thành của Việt Nam với 10 Hội nghị hợp tác phi tập trung đã được tổ chức trong thời gian qua.
Cách đây 5 năm, hai nước đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược, thể hiện sự nâng cấp về tin cậy chính trị và mở ra chiều sâu mới trong quan hệ hợp tác. Sự phối hợp giữa hai nước trong các vấn đề khu vực, quốc tế không ngừng được tăng cường.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò quyết định trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Trong những năm qua, dù là chính khách, nghị sỹ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, doanh nhân hay nghệ sĩ, những người bạn này đã trở thành cầu nối của tri thức, công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại cần thiết cho sự phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việc tăng cường quan hệ hợp tác Việt-Pháp là yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước. Hai bên cần nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, mở rộng giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác giữa các địa phương; tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Tổng Bí thư khẳng định, vượt lên trên các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giữa hai nước Pháp và Việt Nam, giữa hai dân tộc là cả một sự chân tình. Lịch sử đã khiến mỗi nước có một vị trí đặc biệt đối với nhau. Hai nước cần xích lại gần nhau hơn nữa và cần phát huy vị trí thuận lợi của Pháp tại Việt Nam và qua đó tại châu Á, cũng như của Việt Nam tại Pháp và qua đó tại châu Âu.
Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois De Rugy đã chứng kiến lễ ký kết 6 văn bản, thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
* Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois De Rugy.
Đánh giá tích cực về chặng đường 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, Chủ tịch Quốc hội Pháp tin tưởng chuyến thăm Cộng hòa Pháp lần này của Tổng Bí thư sẽ góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước xứng tầm với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược đã được lãnh đạo hai bên nhất trí thiết lập 5 năm qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hai nước và có rất nhiều tiềm năng hợp tác cần phát huy.
Tổng Bí thư đánh giá cao những đóng góp rất quan trọng của Nghị viện Pháp vào việc củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước và nhân dân hai nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Cộng hòa Pháp, đề nghị hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy toàn diện quan hệ hợp tác Việt Nam-Pháp, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư lên ngang tầm với quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước; khẳng định đây cũng là yêu cầu khách quan và cần thiết cho lợi ích của cả hai nước. Đồng thời, Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn hai bên thúc đẩy quan hệ hợp tác về văn hóa, giáo dục đào tạo, lĩnh vực đầy tiềm năng trong quan hệ hai nước.
Tổng Bí thư chân thành cảm ơn Quốc hội Pháp đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong hoạt động lập pháp, giám sát, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, hợp tác của Quốc hội Pháp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò của Quốc hội và các cơ quan dân cử.
Chủ tịch Quốc hội Pháp Francois De Rugy và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác năng động, hiệu quả trong nhiều năm qua giữa Nghị viện Pháp và Quốc hội Việt Nam; nhất trí các cơ quan nghị viện hai nước cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn ở cả cấp cao, cấp ủy ban và các nhóm nghị sĩ hữu nghị nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội Pháp ủng hộ, thúc đẩy và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư trân trọng chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Chủ tịch Quốc hội Pháp sớm sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp. Chủ tịch Quốc hội Francois De Rugy đã vui vẻ nhận lời mời.