Vắc xin nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2023 đến nay. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhiều địa phương như TP.HCM, Phú Thọ... đã phản ánh về tình trạng cung ứng vắc xin TCMR bị gián đoạn gây thiếu vắc xin cục bộ. Tại Thông báo số 183/TB-VPCP ngày 17/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia, đặt hàng đối với vắc xin sử dụng trong Chương trình TCMR để giảm giá, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương; chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xử lý vấn đề về giá, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm mua sắm, cung ứng kịp thời vắc xin TCMR.
Tuy nhiên, vấn đề kinh phí thực hiện, thẩm quyền mua sắm ở cấp Trung ương hay chuyển về địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách chi thường xuyên; vấn đề thẩm quyền thẩm định phương án giá… hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các địa phương.
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Dự thảo Nghị quyết về bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình TCMR.
Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ ngân sách, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp nhu cầu, dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức triển khai ngay việc mua, cung ứng vắc xin cho các địa phương. “Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ Điều 22 của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP để áp dụng mua sắm vắc xin TCMR với hình thức cấp bách này”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Song song đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc ngay với các đơn vị sản xuất trực thuộc Bộ Y tế; thương thảo, thực hiện cơ chế mua sắm trước, trả tiền sau với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để cung ứng vắc xin cho Chương trình. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với cơ quan y tế nước ngoài, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, viện trợ… về vắc xin cho TCMR, nhất là vắc xin 5 trong 1.
Cập nhật thông tin với báo chí chiều 14/6/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vắc xin nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/2023 đến nay. Trong 9 loại vắc xin thuộc Chương trình TCMR được sản xuất trong nước, hiện đã hết vắc xin DPT phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván (mũi tiêm nhắc lại cho trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi)..., 8 loại vắc xin khác cơ bản không thiếu từ tháng 7 đến tháng 12/2023 như: vắc xin uốn ván, IPV - bại liệt tiêm…
Đến nay, theo bà Đào Hồng Lan, nguồn ngân sách chi mua đã giao cho Bộ Y tế. Bộ đang xây dựng các phương án giá, thành lập 2 tổ thẩm định giá và gửi sang Bộ Tài chính để làm căn cứ mua sắm, đấu thầu, đặt hàng vắc xin. Đồng thời, Bộ đã làm việc với các đối tác để tìm kiếm nguồn vắc xin. Đến thời điểm này, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO tại Việt Nam và UNICEF đã thống nhất tìm nguồn hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vắc xin 5 trong 1 và hơn 65.000 liều từ các nguồn tài trợ trong nước. Các đơn vị của Bộ đang thực hiện thủ tục để tiếp nhận nguồn hỗ trợ. Số vắc xin này sẽ được ưu tiên tiêm chủng cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, nơi trẻ em khó tiếp cận nguồn vắc xin dịch vụ.
Tuy vậy, một số ý kiến lo ngại, nếu bây giờ mới đấu thầu, đặt hàng hay mua sắm thì nhanh nhất phải 6 tháng đến 1 năm mới có vắc xin cung ứng cho Chương trình, bởi các nhà sản xuất cần thời gian mua sắm, chuẩn bị nguyên liệu, quy trình sản xuất, vận chuyển…
Trong lúc chờ đợi, chuyên gia về y tế dự phòng cho rằng, Bộ Y tế cần truyền thông mạnh mẽ để khuyến khích người dân tiêm chủng cho trẻ đúng thời hạn bằng loại vắc xin tương đương hoặc vắc xin dịch vụ (trả phí) để tránh lỡ “thời điểm vàng”, đạt hiệu quả cao nhất trong phòng bệnh.