* 8.00': Phát biểu khai mạc phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ thực tiễn UBTVQH đã lựa chọn vấn đề công tác xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị... để lựa chọn chất vấn.
Để đảm bảo chất lượng phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội căn cứ vào nội dung phiên họp để chất vấn ngắn gọn, vào thẳng vấn đề, không hỏi để biết, làm rõ những nội dung liên quan. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời thẳng câu hỏi, không né tránh, nêu rõ giải pháp, lộ trình khắc phục giúp cho đồng bào, cử tri theo dõi, giám sát...
* Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
Các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn các vấn đề: Giải pháp xử lý nước thải, rác thải; bố trí nơi vui chơi giải trí; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đô thị; trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công; nâng cao chất lượng sống tại các khu dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng...
Về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể với những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ để bảo đảm cuộc sống cho con người trong cả hiện tại và tương lai. Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...); sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (VD, quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...); quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo...Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá...
Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, xử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai...
Vấn đề đặt ra là có trục lợi hay không trong trục lợi quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...
Tới đây Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... thí dụ trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch....
Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng thừa nhận đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...
Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm...
Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...
Về cam kết 'khi nào chấm dứt' tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng nói thật rằng đây là vấn đề khó, cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương, Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời về việc kiểm tra cụ thể, khắc phục những bất cập trong quy hoạch các khu dân cư vượt lũ tại đồng bằng sông Cửu Long; rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ tiêu, định mức trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị... cho phù hợp với thực tế, tránh lãng phí, thất thoát.
Về tình trạng lấn chiếm đất đai trong đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới tình trạng phân tán, sử dụng đất chưa hiệu quả dẫn tới tình trạng lấn chiếm... thời gian tới cần đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.
Chia sẻ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh trách nhiệm quản lý đất đai của các tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng đất đô thị. Cụ thể là, đất công ở đô thị đã giao cho xã, phường quản lý, song cơ sở quản lý chưa đúng quy định của pháp luật, cũng như chưa tập trung quản lý được đất phát sinh từ các bãi bồi ven sông,...
Đại biểu Kim Thúy tranh luận thêm với Bộ trưởng Xây dựng về vấn đề thu hồi đất công khi mở rộng đường để ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo; giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đô thị...
* Các đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam); Lưu Bình Nhưỡng(Bến Tre); Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đặt câu hỏi về: Giải pháp phối hợp đồng bộ trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị tránh lãng phí khi đường vừa làm xong đã bị đào lên làm cống ngầm, hệ thống nước sạch, dẫn điện...; quy hoạch khu dân cư vùng bị thiên tai; giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn (cấp phép xây nhà cao tầng ở đầu ô); giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội;...
Về hướng dẫn xây dựng hệ thống hạ tầng, đảm bảo đồng bộ ở các đô thị, Bộ trưởng cho biết Bộ Xây dựng đã có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Ví dụ, khi làm đường phải làm hào kỹ thuật (điện, nước,...) hoặc quy định về khi thu hồi đất mở rộng đường phải thu hồi đất ven để đảm bảo chất lượng xây dựng.
Song trong quá trình tổ chức thực hiện còn khó, trước hết là khó về vốn đầu tư. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng quy hoạch của một số ngành chưa khớp nhau, ví dụ quy hoạch xây dựng chưa khớp với chiếu sáng,...; về chủ quan một số cơ quan quản lý chưa nghiêm túc, thực hiện chặt chẽ...
Về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ được Chính phủ giao xây dựng quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ vào cuối năm nay. Bộ đang rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch các điểm dân cư; nghiên cứu các giải pháp về kỹ thuật xây dựng công trình để thích ứng với các tình trạng thời tiết cực đoan như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở miền Núi...
Về ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng thừa nhận nguyên nhân cấp phép xây dựng các khu đô thị, các chung cư cao tầng chưa hợp lý dẫn tới quá tải hạ tầng. Mặc dù các văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng đã quy định cụ thể, kỹ lưỡng (về mật độ, hệ số, chỉ giới sử dụng đất, chỉ tiêu xây dựng, cảnh quan, kiến trúc...) song chưa được thực hiện nghiêm trong xây dựng quy hoạch hoặc triển khai thiếu đồng bộ quy hoạch... Trước mắt, các địa phương phải tuân thủ nghiêm quy hoạch chi tiết trong phê duyệt đầu tư các dự án, có kế hoạch thực hiện đồng bộ hạ tầng khi xây dựng các khu dân cư...
Về phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết, hiện nay nguồn cung rất thiếu so với cầu. Vậy tại sao thấp? Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều vì lợi nhuận thấp (luật quy định lợi nhuận dưới 10%) dù chúng ta đã có cơ chế khuyến khích; quỹ đất bố trí cho xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế; thiếu nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội; cơ chế cũng chưa phải là tốt... Bộ trưởng cho rằng, hướng tới phải thay đổi căn bản về tư duy, phương thức về phát triển nhà ở xã hội.
* Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ); Nguyễn Thanh Hồng (Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội); Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình); Thạch Phước Bình (Trà Vinh); Ngô Thị Minh (Ủy ban Giáo dục, Văn hóa, Thiếu niên và Nhi đồng) chất vấn về: Giải pháp chấn chỉnh tình trạng phát triển các khu đô thị mới không đúng quy định của pháp luật; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị đồng bộ với quá trình xây dựng nông thôn mới; trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng trong việc thực hiện chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, trường học ra khỏi nội đô, cấp phép xây dựng chung cư cao tầng ở những địa điểm hạ tầng không đảm bảo gây ách tắc giao thông; xử lý các công trình xây dựng trái phép (VD, nhà 8B Lê Trực, Hà Nội); trách nhiệm của Bộ trong phối hợp với các bộ, địa phương trong xây dựng các khu đô thị mới; giải pháp kiến trúc trong ngăn chặn hỏa hoạn đô thị; trách nhiệm, giải pháp xử lý các chung cư cũ, xuống cấp; hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị; giải pháp xử lý chất thải các nhà máy nhiệt điện; giải pháp khắc phục bất cập trong quy trình phê duyệt các quy hoạch để bảo đảm đồng bộ, trách chồng chéo...
Về trách nhiệm địa phương trong thực hiện quy hoạch đô thị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết là có thật. Quá trình phê duyệt quy hoạch chúng ta làm đúng, nhưng trong quá trình thực hiện một số chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao... Trách nhiệm trước tiên thuộc về thành phố Hà Nội trong quản lý, tiếp đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, vừa qua Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để thanh tra kiểm tra; giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm... Vừa qua Hà Nội đã xử lý trách nhiệm của 18 cán bộ vi phạm.
Về vấn đề quản lý công ty công viên cây xanh (tình trạng lấn chiếm bán hàng rong, xây dựng sai phép các công trình kinh doanh dịch vụ trò chơi, nhà hàng, không đúng chức năng, công năng), Hà Nội sẽ thống nhất giao một đầu mối quản lý để rõ ràng trách nhiệm.
Về chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Chung cho biết đây là vấn đề được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, vào cuộc rà soát, tiến hành xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường. Trước 2015 toàn thành phố có trên 300 trường hợp siêu mỏng, siêu méo, hiện còn 132 trường hợp. Những nhà diện tích dưới 30m2 thành phố kiên quyết thu hồi hoặc tiến hành cho các chủ hộ hợp khối, hợp thửa, hạn chế không làm phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới. Hà Nội hứa trong thời gian tới sẽ chấm dứt tình trạng này.
Chủ tịch Hà Nội cũng giải trình về các giải pháp xử lý tình trạng ngập lụt trong các quận nội thành như: Triển khai các dự án thoát nước; xây thêm 25 hồ chứa; thu gom xử lý nước thải sông Tô Lịch; triển khai các dự án nạo vét 128 hồ ở các quận nội thành;...
Về vấn đề lấn chiếm đất đai ở các vùng bến bãi, Hà Nội có hơn 5000ha, thành phố đã giao cho cơ sở quản lý, song vừa qua có việc vi phạm lấn chiếm để canh tác, xây dựng các khu du lịch sinh thái,... Thành phố đã phối hợp với các cơ quan trung ương lập các đoàn kiểm tra, xử lý trên 200 trường hợp; kiên quyết giải tỏa các công trình vi phạm.
Chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận tình trạng đô thị còn nhếch nhác, Hà Nội sẽ triển khai các giải pháp quyết liệt, cụ thể như: Hạ ngầm hệ thống điện, cáp viễn thông (2016 hạ được 19 tuyến, từ đầu năm 2017 đến nay đã hạ được 72 tuyến); thay thế hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện; chỉnh trang lại mặt tiền các tuyến phố (biển hiệu, quảng cáo); sau khi làm xong những việc trên, Hà Nội mới tiến hành lát lại vỉa hè, khắc phục trình trạng vừa làm xong lại đào lên; cơ giới hóa việc thu gom rác thải; đồng thời tiến hành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân;...
Ông Chung cũng nhận trách nhiệm của Hà Nội trong việc xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực còn chậm. Cho biết, hiện đã xử lý (cắt ngọn) xong tầng 19, còn các tầng dưới xử lý giật cấp nên cần có phương án kỹ thuật. Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng, trình thẩm định phương án kỹ thuật để xử lý ngôi nhà đảm bảo an toàn cho tòa nhà và tòa nhà bên... Hà Nội cam kết xử lý nghiêm vi phạm tại tòa nhà này.
* Về xây dựng các khu đô thị mới đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu nguyên nhân về trách nhiệm của địa phương không kiểm tra nghiêm túc các nội dung theo quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt; các quy hoạch ngành không khớp nhau về tiến độ; trách nhiệm của chủ đầu tư;... Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại các quy định hiện hành để làm rõ các nội dung này trong Luật xây dựng đô thị. Phối hợp chặt chẽ với địa phương trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm...
* Về di dời một số cơ sở y tế, trường học ra khỏi nội đô, Bộ trưởng cho biết, trung ương đã có quy định cụ thể, song tiến độ thực hiện rất chậm. Nguyên nhân là do việc bố trí quỹ đất cho việc di dời "không đơn giản"; một số bộ, ngành liên quan chưa có quy hoạch cụ thể về các đơn vị di dời; nguồn lực khó khăn;... Bộ Xây dựng cũng đã trình cấp thẩm quyền phương án di dời 17 cơ quan trung ương ra Mễ Trì, và Tây Hồ Tây, diện tích đất đã có, song nguồn lực thực hiện khó khăn. Bộ đang nghiên cứu cơ chế mới để giải quyết vấn đề này.
* Về xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá, Hà Nội đã rất quyết liệt xử lý. Đến nay đang xử lý khâu giật cấp. Song đây là vấn đề lớn về giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho tòa nhà. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Hà Nội, huy động chuyên gia để thẩm định các phương án kỹ thuật, trong tháng 8 tới sẽ có kết quả, trả lời cho Hà Nội.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các địa phương tổng điều tra, rà soát nhà đô thị, sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở đô thị để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; nghiên cứu các mô hình mới, giải pháp mới, căn cơ hơn, hiệu quả hơn, kiên quyết để xử lý các chung cư cũ nát (toàn quốc có khoảng 6000 chung cư cũ, trong đó có hơn 1000 chung cư thuộc diện nguy hiểm); phối hợp với các ngành để bảo đảm đồng bộ trong các quy hoạch;...
* Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ thêm một số nội dung nhằm bảo đảm đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, chia cắt, cục bộ trong phê duyệt các quy hoạch. Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ thêm về vấn đề nâng cao chất lượng quy hoạch để chống ùn tắc giao thông, xử lý tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trả lời về vấn đề chống ùn tắc giao thông tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM.
Về xử lý ùng tắc giao thông, ngập lụt trong đô thị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu rõ, theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo quy mô dân số đến năm 2025 của TP là 10 triệu người, nhưng năm 2017 đã đạt 13 triệu người. “Con số thống kê chỉ 8,4 triệu người, nhưng số người thường xuyên sinh sống và làm việc trên địa bàn TP thì lên đến 13 triệu người”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết. Như vậy, “TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực rất lớn về dân số, tác động lên toàn hệ thống hạ tầng giao thông”.
Hiện TP có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy và 700.000 xe ô tô. Trung bình mỗi tháng có 30.000 phương tiện mới đăng ký, tính ra mỗi ngày có 1.000 phương tiện tham gia giao thông đăng ký mới. Trong khi đó, đường sá không mở rộng, các công trình giao thông không giải quyết kịp với lượng phương tiện tham gia giao thông. Với sự phát triển cùng với sự gia tăng quy mô dân số, gia tăng phương tiện tham gia giao thông tạo ra áp lực rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP.
Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung, TP Hồ Chí Minh xây dựng các tuyến đường khép kín, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị… “Vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông chỉ có thể phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, nhưng thực tế, nguồn vốn ngân sách để giải quyết các tuyến giao thông công cộng hiện không có khả năng, chỉ có thể dựa vào vốn ODA và đầu tư theo hình thức PPP”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu rõ.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng chủ động giãn dân ra khu vực ngoại thành, góp phần đô thị hóa nhanh chóng khu vực ngoại thành. Tạo nên sự đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Một mặt, tập trung phát triển các công trình giao thông công cộng. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, đối với những quy hoạch đã được phê duyệt với số dân quy định thì dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang tập trung xử lý, triển khai các dự án giao thông để giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông. Trên địa bàn TP cũng có 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Cho nên, bên cạnh việc phát triển giao thông công cộng, triển khai các dự án giao thông, TP cũng chủ động phân luồng, phân tuyến hợp lý, tổ chức các lực lượng, kể cả biên phòng, thanh niên xung phong... cùng phối hợp giải quyết ùn tắc giao thông. “Với mức độ gia tăng dân số, kèm theo là việc các phương tiện giao thông phát triển như vậy, dứt khoát ùn tắc giao thông không thể không xảy ra, cho nên chính quyền TP hiện nay chỉ có thể triển khai giải pháp lâu dài để ùn tắc giao thông không xảy ra. Mặt khác, có những dự án giao thông phải triển khai ngày và có giải pháp trước mắt để chống ùn tắc.
Về tình hình chống ngập của TP, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, “muốn trị được bệnh phải xác định được nguyên nhân gây ra bệnh”. Ngập của TP có nhiều nguyên nhân, trước hết do thủy triều dâng, do nước biển dâng, do tác động biến đổi khí hậu, ngập do lũ, ngập do mưa. Thời gian gần đây, lượng mưa cuối năm 2016, đầu năm 2017 lượng mưa rất dày. Ngập cũng do một phần quản lý yếu kém, và cuối cùng là ý thức của người dân. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân TP cũng đề ra những giải pháp tổng hợp.
Thường trực UBND TP đã giao các Phó Chủ tịch UBND TP xuống kiểm tra từng điểm ngập, và thực tế thấy rằng, chúng ta đã có nhiều nỗ lực, giải pháp triển khai công trình chống ngập, nhưng do xả rác, thải các chất thải làm ứ đọng dòng chảy, dẫn đến ngập. “Trước mắt chúng tôi vận động người dân không xả rác”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói. Còn về giải pháp trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý cũng như các giải pháp mang tính chất công trình ra sao nhằm làm giảm tình hình ngập của TP, thì “xin thưa kể cả ùn tắc giao thông, ngập nước cần có lộ trình để xử lý, chứ không thể xử lý được ngay trong thời gian này được”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết.
* Phần cuối phiên chất vấn các đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng); Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng); Bùi Văn Phương (Ninh Bình); Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận); Trần Văn Mão (Nghệ An) chất vấn về tiến độ triển khai dự án Ga Đà Nẵng, Làng Đại học Đà Nẵng; quy hoạch phát triển giao thông đường sắt; giải pháp đổi mới mô hình tổ chức Thanh tra Xây dựng; giải pháp căn cơ để đảm bảo sự đồng bộ trong quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; giải pháp cải tạo quốc lộ (thường nâng cốt đường) đi qua các đô thị để bảo đảm đồng bộ; giải pháp căn cơ, quyết liệt để nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch xây dựng tại các đô thị...
Do không còn thời gian, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời các đại biểu bằng văn bản.
Quản lý đầu tư, phát triển đô thị nhiều nơi còn buông lỏng
Giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, đô thị Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Kinh tế đô thị đã góp phần đặc biệt quan trọng, kinh tế đô thị và khu công nghiệp chiếm xấp xỉ 80% quy mô của nền kinh tế. Các đô thị thực sự là động lực của nền kinh tế, trở thành hạt nhân của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, thì đô thị còn phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu, và hiệu quả phát triển đô thị còn thấp. Hệ thống hạ tầng của nhiều đô thị chưa đầy đủ và còn thiếu đồng bộ. Kiến trúc, cảnh quan độ thị ở nhiều đô thị, nhiều khu vực trong đô thị còn thiếu nét đặc trưng riêng và thiếu bản sắc. Việc đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế, cả trong đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ và xây dựng công trình.
Tình trạng vi phạm quy hoạch, xây dựng thiếu phép, sai phép còn diễn ra và chưa được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Việc xây dựng nhà ở trong đô thị còn mất cân đối, đặc biệt là xây dựng nhà ở xã hội - nhu cầu rất lớn, phù hợp với đại đa số người dân, nhưng đầu tư còn chậm, thậm chí có địa phương chưa chú ý nhiều đến lĩnh vực này.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực đô thị ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Tình trạng quá tải hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... ngày càng gia tăng. Tình trạng ngập úng tại đô thị lớn, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị rất bức xúc, nhất là ở những đô thị lớn, cả ô nhiễm chất thải rắn, không khí và nước thải. Tình trạng cháy nổ diễn biến nghiêm trọng.
Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết do công tác lập quy hoạch nói chung, và quy hoạch đô thị nói riêng được các địa phương tập trung thực hiện. Tuy đã rất nỗ lực, song nhiều khu vực phát triển nhanh, trong khi việc lập quy hoạch xây dựng chậm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng phát triển đô thị. Hệ thống quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ. Chất lượng không ít quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần. Tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở một số nơi còn tùy tiện, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả, gây thất thoát tài nguyên.
Thứ hai, công tác triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, còn thiếu quy định về quy hoạch dẫn đến tình trạng “có quy hoạch là có đầu tư”, dẫn đến đầu tư theo phong trào, gây dư thừa bất động sản trong một thời kỳ. Công tác quản lý đầu tư, phát triển đô thị ở nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến vi phạm pháp luật. Tổ chức đầu tư hạ tầng theo quy hoạch còn chậm, thiếu đồng bộ do thiếu vốn đầu tư.
Thứ ba, bộ máy quản lý đô thị còn thiếu, nhưng chậm được hoàn thiện. Nghị định 11 của Chính phủ đã quy định cần thành lập Ban quản lý công trình xây dựng, như một “nhạc trưởng” để điều hành sự đầu tư khác nhau của các nhà đầu tư, tạo sự đồng bộ cho hạ tầng đô thị. Nhưng hiện bộ máy quản lý nhiều nơi còn thiếu, mà cơ quan quản lý ở nhiều nơi không có đủ thời gian.
Thứ tư, nhu cầu xã hội cho xây dựng đô thị rất lớn, nhưng đáp ứng từ nguồn lực Nhà nước hạn chế, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn nhu cầu ngày càng tăng, do người dân đi về đô thị để tìm kiếm cơ hội việc làm mới, sinh sống, gây áp lực lớn cho hạ tầng.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, nhưng hiệu quả còn thấp. Thực hiện kết luận sau thanh tra còn chậm, thậm chí chưa nghiêm, mà việc xử lý sai phạm còn thiếu kiên quyết.
Thứ sáu, pháp luật về quản lý đô thị còn thiếu, khi hiện mới có Nghị định về quản lý phát triển đô thị, hiệu lực chưa cao.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết,Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển, trước hết sẽ rà soát, đánh giá tổng kết Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; hoàn thiện dự thảo Luật Kiến trúc để trình QH thông qua tại Kỳ họp thứ 7; rà soát, xây dựng mới nghị định hướng dẫn.
Hai, đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết về đô thị, đi đôi với nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch xây dựng, cũng như với Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.
Ba, cần tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và có quy hoạch. Yêu cầu các đô thị có kế hoạch phát triển gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm và 5 năm. Cân đối với khả năng nguồn lực, khả năng tiêu dùng sản phẩm bất động sản của người dân, để tránh dư thừa bất động sản, cũng như phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng công trình, bảo đảm an toàn, chất lượng và theo quy hoạch, tránh tăng áp lực lên hạ tầng đô thị.
Bốn, chú trọng đầu tư hạ tầng đô thị đồng bộ từ điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn, công viên, nghĩa trang. Đồng thời tổ chức kết nối theo vùng, theo lãnh thổ, phát triển giao thông đô thị mới.
* Kết luận Phiên chất vấn, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tại phiên chất vấn đã có 17 lượt ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng đã trả lời trực tiếp được 12 ĐB, còn 5 ĐB sẽ được trả lời bằng văn bản. Cũng có nhiều ý kiến yêu cầu các Bộ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giải trình thêm những vấn đề có liên quan. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện.
Nhóm vấn đề được lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được cử tri cả nước và các ĐBQH quan tâm, cần sớm có những giải pháp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. “Việc mời Chủ tịch UBND hai TP lớn của đất nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham dự, giải trình những vấn đề liên quan là một điểm mới trong hoạt động của QH, thể hiện sự cần thiết tham gia giải trình của các địa phương đối với những vấn đề đặt ra cho đất nước mà không chỉ là các trách nhiệm của các Bộ trưởng”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.