Bị cáo Phong vẻ mệt mỏi khi ra tòa. |
Ngày 30/3, sau một tuần làm việc, TAND TP HCM tạm hoãn phiên xử Trần Văn Phong (61 tuổi, nguyên giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – Agribank chi nhánh Nam Hoa) và hai cấp dưới về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Động thái này được đưa ra do HĐXX thấy cần phải thu thập làm rõ thêm một số chứng cứ liên quan vấn đề tài sản, không thể bổ sung được tại tòa.
Quá trình thẩm vấn, ông Phong cho rằng đã làm đúng quy trình khi phê duyệt cho vay. Tài sản thế chấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có thật, được công chứng hợp pháp. Tuy nhiên, khách hàng gian dối trong việc hợp thức hóa giấy tờ và bản thân ông không thể phát hiện, chỉ cơ quan điều tra có nghiệp vụ này.
Nhận thấy bản thân có phần trách nhiệm về hậu quả xảy ra, ông xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Hai cấp dưới của ông thừa nhận có sai sót và làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Theo cáo buộc, từ năm 2009 đến 2010, bà Châu (Giám đốc Công ty TNHH đá tấm xây dựng cao cấp, thuộc Khu công nghiệp Mỹ Xuân, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ký năm hợp đồng tín dụng vay Agribank chi nhánh Nam Hoa tại TP HCM tổng cộng 264 tỷ đồng.
Để vay được tiền, Châu làm giả giấy tờ là chủ 10 ha đất (thuê của công ty khác), nâng khống giá trị nhà xưởng và giá trị dây chuyền sản xuất đá tấm xây dựng cao cấp... Số tiền vay được của hợp đồng sau bà ta dùng trả nợ gốc và lãi của các khoản vay trước, tiền xây dựng nhà xưởng và chi tiêu cá nhân dẫn tới mất khả năng thanh toán.
Cơ quan điều tra kết luận, quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ giải ngân cho bà Châu, giám đốc Phong và hai cấp dưới Nguyễn Thị Thắng (41 tuổi, nguyên phó Phòng kế hoạch kinh doanh), Trần Thị Khánh Ngọc (38 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng ngân hàng) đã không thẩm tra tài sản và giá trị thực của tài sản đảm bảo, hoặc tham khảo giá theo quy định của nhà nước.
Tài sản đảm bảo gồm quyền sở hữu công trình xây dựng nhà xưởng số 1, 2, quyền sở hữu dây chuyền sản xuất đá tấm xây dựng cao cấp của công ty và giá trị quyền sử dụng 10 ha đất thuê tại KCN Mỹ Xuân được dùng bảo lãnh cho nhiều hợp đồng tín dụng.
Trong đó, lô đất dùng để thế chấp thực tế thuộc quyền sở hữu của công ty khác nên ngân hàng không xử lý được tài sản để thu hồi nợ. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất đá tấm có giá trị 4.350.000 EUR (tương đương 107 tỷ đồng) đã bị Châu nâng khống lên 165 tỷ để thế chấp cho hai khoản vay sau.
Nhà chức trách cáo buộc, sai phạm của ông Phong và cấp dưới đã tạo điều kiện cho Châu sử dụng các giấy tờ giả, nâng khống giá trị, dẫn đến việc cho vay vượt quá giá trị tài sản đảm bảo, gây thiệt hại cho ngân hàng 190 tỷ đồng.