Tọa đàm giới thiệu Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Singapore

(BĐT) - Chiều ngày 12/3 tại Singapore, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Singapore (SMF) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Singapore (AmchamSingapore) tổ chức "Toạ đàm giới thiệu về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và kêu gọi đầu tư vào các dự án đổi mới sáng tạo từ cách mạng công nghiệp 4.0".
Doanh nghiệp Singapore đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh MT
Doanh nghiệp Singapore đánh giá cao việc Việt Nam xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh MT

Toạ đàm do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, ông Douglas Foo, Chủ tịch SMF và bà Ann Yom Steel, Giám đốc điều hành của Amcham Singapore đồng chủ trì.

Tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập NIC. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ KH&ĐT đã thành lập ngay nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án, đồng thời mời Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty Kiến trúc Arup tham gia hỗ trợ xây dựng Đề án. Nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu rà soát kinh nghiệm của trên 30 cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên thế giới, tìm hiểu các bài học thành công và thất bại của họ.

Tại Toạ đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, NIC được xây dựng gắn với việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đây sẽ là trung tâm đầu tiên trong hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm không sử dụng ngân sách nhà nước mà huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã thể hiện sự quan tâm đến trung tâm này.

Với 5 lĩnh vực ưu tiên là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, NIC được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước về dài hạn dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Thông tin tại Toạ đàm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, NIC là một giải pháp thực hiện chiến lược tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề cần thiết để đất nước có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, vươn lên mức thu nhập trung bình cao và cao.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn có mặt tại Tọa đàm đã thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao mô hình này của Việt Nam, cho rằng NIC không chỉ là không gian làm việc mà sẽ là biểu tượng về đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đồng thời, mong muốn NIC sẽ là một hệ sinh thái hoàn chỉnh và tốt hơn các quốc gia xung quanh, là nơi làm ra các sản phẩm sáng tạo và có thể chuyển giao vào thực tiễn.

Theo nhiều ý kiến, Việt Nam có lợi thế so với nhiều quốc gia trong khu vực vì có đội ngũ nhân tài số, kỹ sư phần mềm làm việc tại Singapore hay Mỹ chỉ đứng sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Do đó, cùng với việc hình thành Trung tâm, cần có biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này về Việt Nam. Các cơ chế về thuế, đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đổi mới sáng tạo, cấp bản quyền và thương mại hóa các nghiên cứu phải đảm bảo thuận lợi.

Kinh nghiệm các nước cho thấy, Trung tâm Đổi mới sáng tạo nói riêng và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của họ phát triển rất mạnh mẽ, như tại Singapore, với sự hỗ trợ lớn từ phía Chính phủ. Nếu Việt Nam cũng làm được điều này, lợi ích mang lại về kinh tế là rất lớn.

 
Tọa đàm giới thiệu Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Singapore ảnh 1
Tọa đàm giới thiệu Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Singapore ảnh 2
Tại Tọa đàm, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) và Liên đoàn Công ngiệp Singaporre đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giữa hai đơn vị.
Theo MOU, hai bên sẽ hợp tác tăng cường các cơ hội kinh doanh và dự án tại các khu công nghệ cao với các công ty thành viên và các doanh nghiệp trong mạng lưới của SMF nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
SMF sẽ hỗ trợ NIC đẩy mạnh các cơ hội kinh doanh đối với các công ty thành viên SMF thông qua tổ chức các hội thảo và sự kiện ở Singapore và Việt Nam. SMF sẽ là câu nối thu hút thu hút các công ty đa quốc gia thành lập các nhà máy tại các khu công nghệ cao ở Việt Nam và chuyển giao công nghệ tri thức cho NIC. Đồng thời, kết nối NIC với các trung tâm đổi mới sáng tạo của Singapore và các hiệp hội, đối tác kinh doanh toàn cầu. SMF cũng sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp thuộc NIC...
Tọa đàm giới thiệu Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Singapore ảnh 3
Tọa đàm giới thiệu Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Singapore ảnh 4
Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Singapore, sáng 12/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác Bộ KH&ĐT đã thăm, làm việc với Công ty ST Engineering về các giải pháp liên quan đến Smart City và hợp tác với Vietnam Airlines về dự án bảo dưỡng máy bay.

ST Engineering là tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Singapore, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hàng không, điện tử, hệ thống mặt đất, hàng hải và quốc phòng. Đây là một trong những công ty lớn nhất niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore, lớn nhất châu Á về công nghệ - quốc phòng, với doanh thu khoảng 6 tỷ USD, hơn 100 chi nhánh và công ty con tại 24 quốc gia trên thế giới.

Tọa đàm giới thiệu Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Singapore ảnh 5
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tiếp ông Sasai Masaaki, Tổng giám đốc Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

SMBC là một trong những ngân hàng lớn và lâu đời nhất Nhật Bản, hiện diện tại nhiều nước trên thế giới và có mặt tại Việt Nam từ năm 1994. Hiện SMBC có 2 chi nhánh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Sasai Masaaki cho biết, là ngân hàng hoạt động toàn cầu, SMBC mong muốn các nhà đầu tư của mình trên thế giới sẽ đầu tư vào Việt Nam, thông qua đó đóng góp nhất định vào nền kinh tế Việt Nam. Với hệ thống quản trị ngân hàng mới, SMBC sẽ đóng góp vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói chung ở Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn SMBC là kênh dẫn và huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là cửa ngõ cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.

Chuyên đề