Nhiều xe buýt của Hợp tác xã Đông Nam mua mới phải dừng hoạt động vì không hiệu quả |
Theo TAND quận 2, năm 2014, Hợp tác xã Đông Nam đứng tên trên giấy phép đăng ký 15 xe buýt cho các xã viên và ký hợp đồng tín dụng vay vốn mua xe tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam.
Nguồn vốn mua xe do các xã viên góp 30%, 70% vay ngân hàng. Hợp tác xã thế chấp cho ngân hàng tài sản đảm bảo khoản vay là 15 chiếc xe trên.
Theo đó, Hợp tác xã Đông Nam hoạt động dựa trên trợ giá xe buýt được Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM chuyển về qua tài khoản của hợp tác xã.
Tiền trợ giá từ ngân sách rót về một phần được sử dụng trả tiền vay vốn mua xe, phần còn lại trả tiền cho các xã viên theo số lượng chuyến xe buýt đã vận chuyển.
Tuy nhiên, TAND quận 2 cho biết Hợp tác xã Đông Nam sau khi nhận tiền trợ giá từ Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP đã chiếm dụng, làm thất thoát tài sản, không đóng tiền lãi cho ngân hàng dẫn đến thiệt hại cho các xã viên xe buýt.
Số tiền chiếm dụng đến nay không thu hồi được và Hợp tác xã Đông Nam hiện mất khả năng thanh toán, gần như không còn hoạt động.
Để xác định sai phạm của các cá nhân liên quan, xem xét có dấu hiệu tội phạm hay không, TAND quận 2 kiến nghị cơ quan điều tra công an quận 2 điều tra vụ việc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các xã viên.
Theo Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam, hiện Hợp tác xã Đông Nam còn nợ khoảng 3,4 tỉ đồng tiền vay mua 15 xe buýt. Đây là khoản nợ xấu, ngân hàng đề nghị nếu hợp tác xã không trả sẽ phát mãi 15 xe buýt là tài sản đảm bảo khoản vay nêu trên.
Tuy nhiên, các xã viên xe buýt không đồng ý bởi họ cho rằng trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi hiện nay thuộc về hợp tác xã bởi khi tiền trợ giá rót về, họ đã góp đủ tiền để Hợp tác xã Đông Nam trả cho ngân hàng.