Tinh thần học tập suốt đời của các vị vua

(BĐT) - Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi danh nhiều vị vua tài đức là những tấm gương về tinh thần học tập suốt đời, không ngừng rèn luyện vì khát vọng phát triển bản thân và đất nước. 
Các vị vua Việt Nam được thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội
Các vị vua Việt Nam được thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội

Tinh thần học tập, quá trình rèn luyện đóng vai trò quan trọng trong gây dựng nền tảng tri thức và để lại những dấu ấn sâu đậm lên đường lối trị nước của các vị quân vương, góp phần xây dựng nên những triều đại hùng mạnh.

Nhà vua khai sáng vương triều Lý là Lý Công Uẩn (1009 - 1028) lớn lên trong chùa và được giáo dục bởi hệ thống tri thức Phật học đương thời. Ông được người đứng đầu thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam Phương là thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng uyên thâm trực tiếp dạy dỗ, dìu dắt. Sau khi đã trở thành hoàng đế Lý Thái Tổ, ông thường đến chùa Chân Giáo để tham dự các buổi tụng kinh và trao đổi với các vị thầy Phật học của mình. Bài Chiếu dời đô do chính ông soạn thảo đã thể hiện những hiểu biết uyên bác về nhiều lĩnh vực tri thức cao sâu.

Vị vua thứ hai của vương triều Lý là Lý Thái Tông (1028 - 1054) vừa tinh thông Nho học, tích cực thực hành các pháp điển Nho giáo như cày ruộng tịch điền..., đồng thời dành nhiều tâm sức để nghiên cứu Phật học, say mê tìm hiểu các thuyết từ bi bác ái của nhà Phật. Sách Thiền uyển tập anh cho biết, thậm chí sau khi trở thành người đứng đầu nhà nước, vua Lý Thái Tông vẫn thường xuyên trao đổi, học tập về giáo lý nhà Phật với các bậc thiền lão uyên thâm.

Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) khai sáng vương triều Trần là một tấm gương lớn về tinh thần học tập suốt đời. Trong một bản tự thuật có tên Thiền Tông chỉ nam tự, Nhà vua cho biết: “Mỗi khi rảnh việc, trẫm lại hội họp các vị tuổi cao, đức cả để tham vấn đạo thiền. Còn như các kinh điển của đại giáo thì không kinh nào là không nghiên cứu”. Tấm gương học tập không ngừng của ông đã góp phần giáo dục hoàng tử Trần Hoảng trở thành vua Trần Thánh Tông nổi danh về cả chính trị và quân sự.

Sau khi lên ngôi, vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278) từng nhiều lần đích thân xông pha trận mạc, lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành các cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên thắng lợi. Ông có niềm say mê đặc biệt đối với phép Thiền định tam muội (Samadhi). Trong bài thơ Độc Đại Tuệ ngữ lục hữu cảm, Nhà vua thừa nhận mình đã nhiều lần “toát mồ hôi vì tham cứu đạo thiền”.

Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) xứng đáng là vị vua nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Từ khi còn là một hoàng tử, ông đã hết sức giữ mình, chăm lo học tập, trau dồi và tích lũy kiến thức, suốt ngày vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền. Năm 1460, ông lên ngôi hoàng đế, nhanh chóng củng cố, phát triển vương triều Lê Sơ và quốc gia Đại Việt trở thành một cường quốc trong khu vực, làm nên thời Hồng Đức rực rỡ trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi Nhà vua “sớm khuya không lúc nào rời sách vở”. Trong một bài thơ tự thuật, ông cho biết bản thân luôn luôn:

Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu

Với vốn tri thức vững chắc và uyên bác của một nhà Nho được đào tạo bài bản và liên tục, lại không ngừng tích lũy trong suốt một đời cần mẫn học tập, trong 38 năm làm hoàng đế nước Đại Việt, Lê Thánh Tông theo đuổi và thực hiện với lòng tự tin, ý chí kiên định và hành động quyết đoán một đường lối trị nước là tăng cường vai trò cá nhân của một nhà vua mạnh, toàn năng, điều hành một bộ máy nhà nước mạnh, với tinh thần tự tôn của một quốc gia, dân tộc mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của Lê Thánh Tông, nước Đại Việt trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nền quốc phòng được củng cố mạnh mẽ, chính sách ngoại giao khôn khéo nhưng kiên quyết, không những bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia với ý thức “một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ”, mà còn mở rộng cương vực đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Lê Thánh Tông không chỉ là một vị vua anh hùng tài lược, có công lao to lớn trong việc sáng lập chế độ, mở mang đất đai, mà còn là một nhà văn hóa lớn mang tâm hồn nghệ sĩ.

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, vua Minh Mạng (1820 - 1841) cũng là một tấm gương lớn về tinh thần không ngừng học tập, rèn luyện bản thân. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng ham học, đọc rộng biết nhiều, luôn có ý thức bồi dưỡng tài năng, nỗ lực từng bước vươn lên sẵn sàng gánh vác trách nhiệm lớn. Ông thường xuyên cùng vua cha Gia Long bàn luận việc chính sự và đạo trị nước.

Đầu năm 1820, vua Minh Mạng chính thức nối ngôi ở tuổi 30, đã trưởng thành hoàn toàn về mặt thể chất và trí lực, giàu bản lĩnh, đầy quyết đoán. Ông hâm mộ hoàng đế Lê Thánh Tông của triều Lê và coi đó là mẫu hình để noi theo. Vua Minh Mạng từng tự nhận xét rằng, từ khi lên ngôi, “mỗi khi coi chầu xét xử chính sự, mãi đến lúc mặt trời xế bóng mới nghỉ; dẫu ở trong cung, vẫn mở xem hết các chương sớ bốn phương đưa đến” và “ngày đêm chăm chắm để tìm cách trị nước”. Dấu tích học tập và lao động không mệt mỏi của vua Minh Mạng hiển hiện rõ trong bút tích ở những châu bản triều Nguyễn còn được lưu giữ lại, đã được tôn vinh thành một phần di sản ký ức của nhân loại.

Với kiến thức vững chắc và không ngừng được mở rộng, được giáo dục bằng tinh thần nhân văn và hướng đến hiệu quả thực tiễn, vua Minh Mạng có tinh thần phê phán cao, không ngần ngại khi phê bình, phản bác quan điểm của tiền nhân hay ý kiến của các quan lại đương thời. Ông mạnh mẽ phê phán quan điểm “không thay đổi đường lối của cha” của Khổng Tử, lại cho rằng Mạnh Tử “chưa khỏi có chỗ nói lệch một bên”, dùng kiến thức khoa học của phương Tây để phản bác các quan điểm sai lầm đương thời về điềm sao chổi và thuyết trời tròn đất vuông... Vua Minh Mạng từng biện luận rằng: “Xưa nay đều nói rằng trời tròn đất vuông. Phàm đất vuông thì hẳn không theo trời mà chuyển vận được, cho nên sách Hỗn thiên nghi nói rằng, trời hình như quả trứng, trời bao ngoài đất, thì đủ biết đất tròn”...

Trong hơn 20 năm trị vì (1820 - 1841), vua Minh Mạng đã không ngừng học tập, suy nghĩ, làm việc để tự hoàn thiện bản thân, tìm ra những giải pháp và hiện thực hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đương thời. Ông đề ra nhiều chính sách tích cực để củng cố khối thống nhất quốc gia, hoàn thiện và đưa thiết chế quân chủ trung ương tập quyền nhà Nguyễn phát triển đến đỉnh cao, đề cao pháp trị, thống nhất thể chế, ổn định xã hội, phát triển kinh tế và mở mang văn hóa, lập ra pháp chế, điển chương cho các triều vua sau.

Có thể thấy, hầu hết các vị vua của những vương triều Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn... ngay từ thời niên thiếu, lúc là hoàng tử, thái tử đã được học tập tại các trường Quốc tử giám, Quốc tử viện, Quốc học viện, tòa Kinh Diên... Tại đó, họ từng bước làm quen và thấm nhuần qua sách vở những hệ thống tri thức lịch sử - văn hóa quan trọng... Ngoài ra, những người đứng đầu đất nước trong tương lai còn được các bậc thầy uyên bác, tài đức bậc nhất đương thời trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng.

Được đào tạo bài bản và nghiêm khắc bởi hệ thống giáo dục cung đình, nhiều vị vua xưa đã trở thành những nhà trí thức lớn. Họ coi trọng các hệ thống tri thức tam giáo (Nho, Phật, Đạo), tích cực tiếp thu các kiến thức mới của thời đại để giúp ích cho công cuộc trị nước. Với tinh thần học tập suốt đời và quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ, nhiều vị vua xưa đã làm chủ được những tinh túy của tri thức thời đại, vững vàng nắm giữ đỉnh cao quyền lực của vương triều và đất nước, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó chính là những tấm gương lớn cho các thế hệ người Việt Nam ở cả đương thời và hậu thế ngưỡng vọng, học tập và làm theo vì khát vọng phát triển bản thân và đất nước.

Chuyên đề