Tại Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau khi Tổng cục Đường bộ kiểm tra, phát hiện số thu bình quân là 1,97 tỷ đồng/ngày, trong khi nhà đầu tư chỉ báo cáo 582 triệu đồng/ngày, bằng 29% số thu thực tế. Ảnh: Phạm Thanh |
Việc tính sai này không thể cứ coi là nhầm, nêu ra rồi sửa lại thời gian là xong, mà phải làm rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân nếu lỗi do tính toán, thẩm định, phê duyệt sai.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trao đổi với Báo Đấu thầu sau khi tham gia cuộc làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với KTNN về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Nhầm lẫn có hệ thống?!
Theo báo cáo của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành tại buổi làm việc, trong giai đoạn 2011 - 2016, KTNN đã tiến hành kiểm toán 27 dự án đầu tư công trình xây dựng giao thông theo hình thức BOT. KTNN cũng đã bố trí người ở trạm thu phí 24/24 giờ để tính lưu lượng xe. Kết quả là tại nhiều dự án, số xe khác hẳn với số liệu của nhà đầu tư. Kết hợp với nhiều số liệu khác, sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu của đơn vị lập. Cá biệt, KTNN đã kiến nghị chấm dứt việc thu phí với Dự án Tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT 618 huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam, giảm thời gian thu phí hơn 3 năm (theo phương án tài chính, đến tháng 6/2018 dự án này mới dừng thu phí).
Trước đó, KTNN cũng đã từng công bố kết quả kiểm toán nhiều dự án BOT và kiến nghị giảm thời gian thu phí của nhiều trạm BOT. Có thể kể đến trạm thu phí BOT Cổ Chiên (tỉnh Trà Vinh), sau khi kiểm toán đã kiến nghị giảm hơn 5 năm thu phí.
Tại Hội nghị tổng kết Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cuối tháng 12 vừa qua, Thanh tra Bộ GTVT cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí hàng loạt dự án BOT. Trong danh sách này, Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km734+600 - Km765, Đắk Nông giảm 10 năm 7 tháng; Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km1610 - Km1667+570 (Cầu 110) Pleiku, tỉnh Gia Lai giảm 8 năm 4 tháng…
Phải xử lý nghiêm cá nhân để xảy ra sai phạm
Theo KTNN, những hạn chế của việc thực hiện các dự án BOT giai đoạn 2011 - 2016 là do nhiều nguyên nhân. Về hệ thống văn bản quản lý và hướng dẫn đầu tư các công trình BOT, qua kiểm toán cho thấy, nhiều quy định còn chung chung, chưa cụ thể đã tạo ra khoảng trống pháp luật gây thất thoát, lãng phí, phát sinh; chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư chưa cao; công tác lựa chọn nhà thầu chủ yếu là chỉ định thầu hoặc nhà đầu tư tự thực hiện; công tác thiết kế kỹ thuật tại nhiều dự án chưa phù hợp với tiêu chuẩn; việc xác định tổng vốn đầu tư của các dự án còn chưa hợp lý…
Từ góc nhìn của doanh nghiệp vận tải, của những người đóng phí BOT, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT là rất đúng đắn nhưng thực tiễn thực hiện bị bóp méo, lợi dụng vì lợi ích khác. Phải xác định rõ những tồn tại, hạn chế là do nguyên nhân nào và xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai sót như báo cáo của KTNN đã nêu, không thể cứ đổ cho cơ chế chính sách.
Nhìn lại những tồn tại, tiêu cực đã xảy ra, ông Thanh cho rằng, một mình nhà đầu tư rất khó có thể tự ý vẽ dự án, mà trong không ít trường hợp có sự tiếp tay, đồng tình, cố ý buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có thể nói là đồng lõa ăn cướp của dân. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng trên góc độ là người đại diện cho nhân dân mà làm hết trách nhiệm, thẩm định chặt chẽ, thì dù có chỉ định thầu, cũng không thể xảy ra những chuyện nhầm lẫn, khai khống tổng mức đầu tư.
Ông Thanh kiến nghị, để khắc phục những hạn chế của dự án BOT, thời gian tới quan trọng nhất vẫn là tăng cường công khai, minh bạch, để người dân biết, giám sát. Đơn giản như công khai thông tin dự án ở ngay trạm thu phí, nhà đầu tư là ai, tổng mức đầu tư, thời gian thu phí thế nào… Việc đơn giản này sẽ giúp người dân dễ giám sát, tránh việc trạm thu phí hết thời gian thu phí rồi vẫn thu tiếp 1, 2 năm như Dự án Hầm đường bộ qua đèo Ngang đã được dư luận phản ánh.
Tại một hội thảo của KTNN, TS. Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính cũng cho rằng, thời gian qua việc công khai, minh bạch dự án BOT chưa được làm tốt. Trong khi đó, vì lợi ích của mình, các nhà đầu tư thường không báo cáo chính xác số liệu thực tế của trạm thu phí BOT. Ông Nguyễn Trọng Cơ dẫn lại ví dụ Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau khi Tổng cục Đường bộ kiểm tra, phát hiện số thu bình quân là 1,97 tỷ đồng/ngày, trong khi nhà đầu tư chỉ báo cáo 582 triệu đồng/ngày, bằng 29% số thu thực tế. Theo ông Cơ, cần thiết công khai minh bạch số liệu đầy đủ và giải trình rõ từng công trình kết cấu hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP (trong đó có hình thức hợp đồng BOT) trên các phương tiện truyền thông để người dân thực hiện quyền giám sát của mình.