Giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP HCM. Ảnh: Anh Tú. |
Thông tin trên được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết tại Hội nghị tăng cường triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sáng 14/5.
Vụ trưởng cho hay, tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ 2019 do doanh nghiệp đẩy mạnh trả nợ trong khi nhu cầu vốn mới ít. Cụ thể, tín dụng đến hết tháng 1 chỉ tăng 0,1% so với đầu năm, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42% và tới trung tuần tháng 5 lại giảm xuống, chỉ tăng 1,2%.
Ông Hùng cho rằng, dù dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát nhưng nhu cầu vốn vẫn thấp. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vốn, ngân hàng cũng rất muốn giải ngân nhưng không cho vay được vì họ không đảm bảo được khả năng thu hồi vốn.
Trước nhiều ý kiến, đặc biệt là của doanh nghiệp vừa và nhỏ đề nghị vay không cần tài sản đảm bảo, ông cho hay ngành ngân hàng có thể thực hiện nhưng với điều kiện kiểm soát được dòng tiền, doanh nghiệp phải chứng minh phương án kinh doanh hiệu quả. Như Thống đốc đã nói, ngân hàng không thiếu vốn, chỉ cần doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt.
Ngoài ra, ông cho biết thời gian qua, ngành ngân hàng nhận nhiều đơn đề nghị cơ cấu nợ từ các khách hàng khó khăn thậm chí gặp khó từ một năm trước - tức là trước khi có dịch. "Họ không phải đối tượng để được cơ cấu nợ, chúng tôi nghiêm cấm việc mượn dịch bệnh để trục lợi, lợi dụng chính sách", ông nói.
Đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ, miễn giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng. Luỹ kế từ 23/1 đến nay cho vay đạt 630.000 tỷ cho 182.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.