Nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó có điều kiện, đủ điều kiện kinh doanh trả lãi cao lên tới 300%. Ảnh: Internet |
Từ quan hệ dân sự trở thành vấn đề hình sự
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, băng nhóm tín dụng đen là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm phức tạp khác. Bản chất của tín dụng đen là quan hệ về dân sự, quan hệ về kinh tế, nhưng khi vượt quá giới hạn là trở thành vấn đề hình sự.
Bộ Công an cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 phân công phân trách nhiệm cụ thể cho các ngành giải quyết về tín dụng đen, góp phần làm giảm phức tạp của tín dụng đen này.
“Về mặt pháp luật, Bộ Công an cũng đã đề xuất có hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen, vi phạm pháp luật của hoạt động này, ranh giới giữa hành chính, dân sự, hình sự có sự liên kết, khiến nhiều đối tượng lợi dụng một số quy định luật pháp liên quan”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói.
Thời gian tới Bộ Công an cũng sẽ phối hợp các ngân hàng đa dạng hóa hình thức cho vay, tạo cho người dân tiếp cận vốn lành mạnh, để không có cơ hội cho tín dụng đen có đất hoạt động.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng “nhiều gia đình bất an lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn con cái, thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần do ham mê đánh bạc, cá cược online từ đó vay tín dụng đen để sử dụng vào mục đích không chính đáng của bản thân khi cần lãi suất cao vẫn chấp nhận”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, hiện nay tội phạm đã lợi dụng quan hệ dân sự - kinh tế giữa người vay và người đi vay để tiến hành hoạt động tội phạm.
Theo Bộ trưởng, người đi vay có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Bởi nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó có điều kiện, đủ điều kiện kinh doanh trả lãi cao lên tới 300%.
“Người đi vay cũng có mục tiêu để vi phạm pháp luật không lành mạnh như: Cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hoặc lừa đảo. Những người cho vay đằng sau là những tổ chức tội phạm, hoặc có thể là đối tượng hình sự, nếu không thì cũng nuôi, chăm sóc đối tượng hình sự để phục vụ cho tín dụng đen của mình. Tín dụng đen là giới hạn phạm vi của tội phạm hình sự. Từ quan hệ dân sự, diễn biến trở thành quan hệ hình sự. Từ người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết.
Định kỳ báo cáo về tín dụng đen
Liên quan đến việc hạn chế tín dụng đen, ngày 4/6, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Theo đó, Thống đốc giao nhiệm vụ do các đơn vị trực thuộc NHNN chủ trì, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen";
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phát huy tiềm năng, nội lực của nền kinh tế;
Ở khía cạnh khác, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn theo hướng thuận lợi để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu;
Đáng chú ý, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ yêu cầu các đơn vị chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, quy định pháp luật để quản lý hoạt động vay ngang hàng, vay trực tuyến;
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”;
Chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.
Về nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, Thống đốc yêu cầu các Vụ, cục, các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật về công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”.
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội hướng dẫn các quỹ xã hội, các chương trình tài chính vi mô đăng ký hoạt động với NHNN theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án tài chính vi mô; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng nhằm đảm bảo cho người dân, đặc biệt là những đối tượng khó khăn được tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện.
Theo chỉ đạo của Thống đốc, các đơn vị được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch, định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 12/CT-TTg gửi Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 15/6 đối với báo cáo 6 tháng, trước ngày 15/12 đối với báo cáo năm.