Tín dụng có thể tăng tới 22%


Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng tín dụng trên 20% là có thể đạt được. Tuy nhiên, để nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), điều kiện quan trọng là phải giảm được lãi suất.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng dư địa để giảm lãi suất và tăng trường tín dụng của nước ta vẫn còn nhưng không nhiều.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng dư địa để giảm lãi suất và tăng trường tín dụng của nước ta vẫn còn nhưng không nhiều.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch, lộ trình để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21-22%. Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng là kênh rất quan trọng góp phần không nhỏ để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay.

Mới đây nhất, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Thống đốc điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm tăng trưởng tín dụng trên 20% gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, có ý kiến băng khoăn là liệu định hướng đưa tín dụng lên trên mức 20% là có khả thi? Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra những nhận định về vấn đề này.

“Tăng trưởng tín dụng trên mức 20% là có thể đạt được, do các điều kiện kinh tế vĩ mô đang tương đối thuận lợi để NHNN có thể xem xét tới việc tăng cung tiền tệ và trên cơ sở đó giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Cụ thể, lạm phát cơ bản trong 3 năm liên tục đang ở mức khá thấp, dưới 2%; lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng đang ở mức thấp khoảng 5%, lãi suất trần ngắn hạn tiền gửi cũng thấp…

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa một điều rất quan trọng cần phải tính toán, xem xét đó là liệu DN, nền kinh tế có khả năng hấp thụ nguồn tín vốn tín dụng được mở rộng hay không?

Ông cho rằng, việc các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ trong nền kinh tế sẽ có cơ hội tiếp cận và khả năng hấp thụ tốt phụ thuộc vào lãi suất, nếu lãi suất cao thì các DN khó có thể hấp thụ được nguồn vốn tín dụng đó.

“Bởi lẽ trong bối cảnh lãi suất đang cao, nếu mở rộng tín dụng thì nguồn lực này sẽ chảy vào những lĩnh vực ngoài mong muốn như bất động sản, chứng khoán, những ngành có mức độ rủi ro tương đối cao. Trong khi, nếu lãi suất giảm xuống thì tăng trưởng tín dụng này sẽ vào được những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Vị chuyên gia cũng dẫn ra hai khả năng khi đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên trên 20%. Nếu nền kinh tế hấp thụ tốt, đúng hướng, trong điều kiện lãi suất tương đối thấp có thể tạo nên hiệu ứng tăng cầu, góp phần tăng trưởng GDP. Còn nếu không giảm lãi suất mà đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao như vậy thì chưa chắc đã tạo nên được tác dụng tăng tổng cầu an toàn và có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo. “NHNN cần cân nhắc, tính toán thận trọng”, ông Nghĩa nhận định.

Nhìn rộng hơn ra thế giới, vị chuyên gia cho biết xu thế nới lỏng tiền tệ toàn cầu vẫn đang là xu thế chính chứ không phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. “Có thể thấy dư địa để giảm lãi suất và tăng trường tín dụng của nước ta vẫn còn nhưng không nhiều và cũng không thể ‘mạnh tay’ trong nới lỏng tín dụng mà cần rất thận trọng”, ông Nghĩa nhận xét.

Ông cũng cho biết, thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao, kể cả khi so với Trung Quốc và các nước ASEAN… làm tăng gánh nặng chi phí tài chính của DN lên khá lớn. Trong bối cảnh các DN Việt Nam làm việc phần lớn bằng vốn đi vay, tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, trong 100 tỷ thì vốn tự có chỉ khoảng 10-20 tỷ, còn lại là vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính trong giá thành sản phẩm còn rất lớn. Có DN đạt doanh thu năm khoảng 150 tỷ thì lãi vay ngân hàng đã lên tới 5-6 tỷ, vượt cả phi phí về trích lập khấu hao, “đó là điều mà chỉ làm DN mới hiểu được sức ép của lãi suất ngân hàng lớn đến như thế nào”, ông chia sẻ.

Đặc biệt, các DN trong ngành chế biến, chế tạo thường xuyên nhập khẩu nguyên vật liệu nên vốn lưu động rất lớn. Như trong ngành bao bì, giả sử doanh thu 100 tỷ thì riêng tiền nguyên phụ liệu đã chiếm tới 75-80%, tất cả chi phí này phải đi vay ngân hàng làm vốn lưu động. Cho dù tăng vòng quay vốn như thế nào thì chi phí trả lãi vay ngân hàng trong tổng chi phí vẫn rất lớn tạo nên sức ép, hạn chế năng lực cạnh tranh của DN.

“Điều kiện quan trọng là lãi suất phải giảm để nâng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tăng được sức cạnh tranh của DN”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Chuyên đề