Tín dụng BOT giao thông: Hệ thống ngân hàng sẽ cố gắng trong khả năng cho phép

(BĐT) - Ngày 1/10, trao đổi tại cuộc họp báo quý III, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với dự án BOT giao thông, hệ thống ngân hàng sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng.
Các dự án BOT giao thông đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án BOT giao thông đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Ảnh: Lê Tiên

Về khả năng cung ứng vốn của hệ thống ngân hàng với Dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án hạ tầng giao thông khác trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, vấn đề đầu tư đường giao thông theo hình thức BOT đang nhận được sự quan tâm của người dân, nhất là Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận ở phía Nam.

Tại miền Bắc, điểm qua sơ bộ những dự án BOT cho thấy cần nguồn vốn tín dụng rất lớn. Mới đây, Dự án cao tốc Bắc Giang lên Chi Lăng (Lạng Sơn) đã thông tuyến, còn đoạn từ Chi Lăng lên cửa khẩu Hữu Nghị dự kiến cần trên 8.000 tỷ đồng; Cao Bằng thì đề xuất con đường từ Đồng Đăng đến Trà Lĩnh dự kiến trên 20.000 tỷ đồng; Cao tốc từ Hòa Bình đi Mộc Châu (Sơn La) dự kiến cần trên 20.000 tỷ đồng…

Chính phủ cũng có quyết định làm đường cao tốc Bắc - Nam do các nhà đầu tư trong nước thực hiện và khả năng cung ứng vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng được đặt ra.

“Ngày 30/9, tại Lạng Sơn, thay mặt Ngân hàng Nhà nước, tôi đã báo cáo với Thủ tướng và các bộ, ngành, thực hiện tham gia các dự án BOT giao thông là một trong những quyết tâm cao của các NHTM và trách nhiệm chính trị rất lớn”, Phó Thống đốc nói.

Tuy nhiên, theo ông Đào Minh Tú, trên thực tế, với hoạt động ngân hàng thì huy động vốn ngắn hạn vẫn là chủ yếu, trong khi cho vay các dự án BOT giao thông là trung và dài hạn, phải từ 15 - 20 năm, số lượng vốn lại rất lớn tới hàng nghìn tỷ đồng chứ không phải vài chục tỷ đồng nên các NHTM phải cân đối.

Bên cạnh đó, quyết định cho vay của các NHTM còn phải dựa trên các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng như không được vượt quá 15% vốn tự có với một đơn vị vay và cân nhắc hệ số an toàn vốn (CAR).

“Ngoài BOT giao thông, hệ thống ngân hàng còn phải cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng kinh tế. Do đó, với dự án BOT, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc, ngoài vấn đề nguồn vốn, các bộ, ngành cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như vấn đề thu phí BOT, đặt trạm thu phí…, bởi vì những yếu tố này tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, đi cùng với đó là những khoản vay của hệ thống NHTM.

Chuyên đề