Tiêu chí “khó” tại gói thầu mua biển báo ở Điện lực Thái Bình

(BĐT) - Công ty Điện lực Thái Bình (Bên mời thầu - BMT) vừa mở thầu Gói thầu Mua sắm trang bị bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân và dụng cụ an toàn năm 2023. Trong quá trình mời thầu, một nhà thầu cho biết gặp khó trong việc đáp ứng yêu cầu phải nộp biên bản thử nghiệm mẫu biển báo an toàn điện của một trong các trung tâm đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường Việt Nam.
Gói thầu Mua sắm trang bị bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân và dụng cụ an toàn năm 2023 của Công ty Điện lực Thái Bình có giá 6,8 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi st
Gói thầu Mua sắm trang bị bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân và dụng cụ an toàn năm 2023 của Công ty Điện lực Thái Bình có giá 6,8 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi st

Gói thầu có giá 6,8 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Mai tham dự với giá dự thầu 6,75 tỷ đồng. Trong quá trình mời thầu, một nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ về việc HSMT yêu cầu về thông số thử nghiệm mẫu, yêu cầu nhà thầu phải nộp 1 mẫu biển báo an toàn điện và biên bản thử nghiệm mẫu của một trong các trung tâm đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường Việt Nam, trong đó yêu cầu thử nghiệm đầy đủ 8 thông số tiêu chuẩn kỹ thuật (vật liệu làm biển, sơn chống rỉ, nền biển, viền và tia chớp…).

Nhà thầu cho biết đã liên hệ tới các trung tâm đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường Việt Nam và được trả lời là chưa hoàn thiện quy trình để thử nghiệm các loại biển báo. Ngoài ra, “biển báo an toàn” không phải là mặt hàng đặc thù, cần phải kiểm định chất lượng an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Do vậy, Nhà thầu đề nghị BMT xem xét không đưa tiêu chí này trong quá trình đánh giá HSDT.

Trả lời đề nghị làm rõ của Nhà thầu, BMT cho biết, biển báo, biển hiệu an toàn điện chủ yếu được lắp đặt ngoài trời, trực tiếp chịu tác động của thời tiết mưa, nắng khắc nghiệt nên cần những sản phẩm có chất lượng, thời gian sử dụng lâu dài. Trong quá trình mua sắm, BMT yêu cầu các chi tiết vật tư, vật liệu cấu thành sản phẩm phải đảm bảo chất lượng nhằm hạn chế tối đa việc mua sắm hàng kém chất lượng, dẫn đến mất an toàn trong quá trình quản lý vận hành.

Nhà thầu cung cấp biển báo, biển hiệu đúng quy chuẩn hiện hành có cam kết bằng văn bản về việc đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật được nêu trong HSMT, có biên bản thí nghiệm mẫu Type test điển hình kèm theo thì được đánh giá là đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nêu HSMT. Biên bản thử nghiệm mẫu Type test điển hình, được hiểu là biên bản thí nghiệm sản phẩm hàng hóa dự thầu được nhà sản xuất hoặc các đơn vị thương mại, đơn vị sử dụng đã thí nghiệm bởi đơn vị thí nghiệm độc lập có đủ chức năng thẩm quyền hợp pháp thực hiện, nhằm chứng minh sản phẩm hàng hóa dự thầu đáp ứng các chỉ tiêu thông số kỹ thuật theo yêu cầu HSMT.

BMT đưa ra tiêu chí trong HSMT là không vi phạm pháp luật, không hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một số nhà thầu.

Phóng viên đã liên hệ tới Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1, trao đổi với một cán bộ chuyên môn của Phòng Cơ khí - Vật liệu xây dựng. Cán bộ này cho biết, Trung tâm có nhận thử nghiệm theo yêu cầu nhưng phải đưa mẫu biển báo tới và nếu Trung tâm có đủ phương pháp thử nghiệm, phương pháp đánh giá chất lượng sản phẩm theo các yêu cầu của khách hàng thì mới nhận hồ sơ đăng ký thử nghiệm mẫu. Thông thường, thử nghiệm sản phẩm theo yêu cầu sẽ nhận kết quả từ 7 - 10 ngày nếu hồ sơ được tiếp nhận.

Tại một số gói thầu tương tự do Công ty Điện lực Nghệ An, Công ty Điện lực Thái Nguyên, Công ty Điện lực Điện Biên, Công ty Điện lực Sơn La… mời thầu năm 2023 cũng phát sinh đề nghị làm rõ của nhà thầu. Trong đó, nhà thầu đề nghị làm rõ về căn cứ pháp lý để các BMT đưa ra yêu cầu thử nghiệm biển báo an toàn điện và đề nghị công bố kết quả thử nghiệm trong quá trình nhận nghiệm thu và bàn giao của các nhà thầu trúng thầu trước đó để nhà thầu tham dự thầu tìm hiểu, đi tìm đơn vị thử nghiệm…

Khảo sát một số gói thầu trong lĩnh vực này cho thấy, đa số HSMT chỉ đưa ra yêu cầu “Thử nghiệm đầy đủ các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên (trong HSMT)” mà không yêu cầu có “biên bản thử nghiệm mẫu được thực hiện bởi một trong các trung tâm kỹ thuật đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường Việt Nam” như tại Gói thầu của Điện lực Thái Bình.

Theo tìm hiểu, tiêu chí nêu trên đã được Công ty Điện lực Thái Bình đưa ra trong HSMT của các gói thầu mua sắm quần áo bảo hộ lao động, thiết bị bảo hộ lao động năm 2021 , 2022. Công ty CP Tập đoàn Hoàng Mai là đơn vị trúng thầu các gói thầu này từ năm 2019 - 2022 với giá trúng thầu lần lượt là 1,335 tỷ đồng, 5,954 tỷ đồng, 7,365 tỷ đồng, 5,674 tỷ đồng.

Khảo sát mở rộng từ năm 2019 trở lại đây, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Mai (với tư cách độc lập hoặc thành viên liên danh) đã trúng thầu 74 gói thầu mua sắm biển báo, dụng cụ an toàn, bảo hộ lao động tại các đơn vị điện lực khu vực miền Bắc.

Chuyên đề