Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri tại huyện Định Hóa. Ảnh:VGP |
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận, xem xét các vấn đề hệ trọng của đất nước như: Xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, công tác nhân sự theo thẩm quyền…
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 6 luật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển lâm nghiệp, thủy sản, tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về 9 dự án luật khác, trong đó có dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh khi kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dư luận đặc biệt quan tâm tới những quyết sách lớn mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng và hoàn thiện thể chế - 2 trong 3 khâu đột phá chiến lược của Việt Nam.
Quốc hội cũng đã thảo luận và thống nhất 10 nội dung đánh về tình hình đất nước trong thời gian qua, trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người có công; đẩy mạnh cải cách hành chính; an ninh quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã dành nhiều thời gian để báo cáo với cử tri về công tác đối ngoại, đặc biệt là Năm APEC 2017 với 243 sự kiện được tổ chức trên 10 tỉnh, thành phố của cả nước.
Lãnh đạo các nền kinh tế đều có chung đánh giá Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã thành công tốt đẹp cả về mặt nội dung và công tác tổ chức, Phó Thủ tướng cho hay.
APEC tiếp tục khẳng định vai trò là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực với các mục tiêu của APEC là tự do thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng trong khu vực.
Việt Nam đã đưa ra 11 đề xuất và sáng kiến, đều được các thành viên APEC nhất trí thông qua như thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, bao trùm; phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…, một mặt phản ánh quan tâm chung của khu vực, đồng thời phục mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Tuần lễ Cấp cao APEC ghi nhận những con số kỷ lục với 11.000 đại biểu, 2.800 phóng viên trong và ngoài nước, trên 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp tham dự. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ cùng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC, trong khi các phiên họp của Hội nghị đều kín chỗ, phản ánh sự quan tâm của các nhà lãnh đạo cũng như cộng đồng doanh nghiệp đối với sự kiện năm nay.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trò chuyện, trao đổi với cử tri. Ảnh: VGP
Chúng ta huy động sự tham gia đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp vào công tác tổ chức, từ địa điểm họp, cho đến phương tiện di chuyển, qua đó đáp ứng yêu cầu tiết kiệm ngân sách, nhưng bảo đảm trọng thị, chu đáo, đồng thời phát huy vai trò chủ nhân hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp.
Về tuyên truyền báo chí, Phó Thủ tướng cho hay, đã có hàng chục nghìn tin, bài đề cập đến Việt Nam và các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam hiếu khách, phát triển năng động.
Năm APEC 2017 còn là dịp Việt Nam làm sâu sắc quan hệ song phương với các đối tác trong khu vực. Bên cạnh chuyến thăm cấp cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada, đã có 50 cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước.
Về mặt kinh tế, qua các chuyến thăm, cuộc gặp song phương, đã có 121 thỏa thuận trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết, mang lại cơ hội cho người dân và doanh nghiệp.