Tiếp tục đề xuất cơ chế vượt trội thúc đẩy đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 4 năm thành lập, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) từng bước trở thành đơn vị dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam. Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC cho biết, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP đang được Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, thúc đẩy ĐMST thực chất và hiệu quả.
Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam thu hút được gần 800 giải pháp đổi mới sáng tạo đến từ các đơn vị trong nước và quốc tế. Ảnh: Lê Tiên
Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam thu hút được gần 800 giải pháp đổi mới sáng tạo đến từ các đơn vị trong nước và quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Thưa ông, với vai trò là “cầu nối” hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, NIC đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ startup và doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này?

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&ĐT, NIC đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN ĐMST. Trước hết, NIC hỗ trợ các startup nâng cao năng lực ĐMST thông qua việc triển khai các chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số. Điển hình như Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge Program) là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến ĐMST Việt Nam do Bộ KH&ĐT chủ trì, NIC phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức. Chương trình được khởi động vào tháng 10/2022, sau 1 năm phát động đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các DN, tổ chức trong nước và quốc tế.

Ông Võ Xuân Hoài

Ông Võ Xuân Hoài

NIC hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo bằng nguồn lực tài chính từ các quỹ đầu tư cũng như các cơ quan hỗ trợ quốc tế như: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tập đoàn Google, Tập đoàn Meta, Do Ventures, Nextran…

NIC tổ chức các chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, chúng tôi phối hợp với Tập đoàn Meta thực hiện các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số; phối hợp với Google hỗ trợ hơn 30.000 suất học bổng cho sinh viên các trường đại học và các DN để nâng cao năng lực số…

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các bộ, ban ngành đề xuất xây dựng chính sách vượt trội cho ĐMST và khởi nghiệp ở Việt Nam. Điển hình là vừa qua, NIC đã phối hợp xây dựng Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội cho ĐMST và khởi nghiệp.

Hiện Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP, trong đó đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách về đăng ký DN, đấu thầu, thủ tục hành chính… cho các DN, quỹ đầu tư hoạt động trong NIC. Kỳ vọng các cơ chế, chính sách vượt trội đó sẽ hỗ trợ nhiều cho DN Việt Nam nâng cao năng lực ĐMST.

Thông qua Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam 2023, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cũng như năng lực sáng tạo của DN Việt Nam?

Mặc dù thời gian phát động Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam không dài, nhưng đã thu hút được gần 800 giải pháp ĐMST đến từ các đơn vị trong nước và quốc tế. Nhiều giải pháp được đánh giá rất cao về chất lượng. Sau quá trình đánh giá với những tiêu chí chặt chẽ, khắt khe, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 12 giải pháp xuất sắc nhất để nhân rộng trong nền kinh tế.

Một số giải pháp tiêu biểu đến từ Công ty CP Benkon trong việc ứng dụng công nghệ số IOT để tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà và nhà máy, hay giải pháp nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử của Công ty CP Khoa học dữ liệu…

Chỉ nhìn riêng kết quả bước đầu từ chương trình này cũng thấy thế mạnh từ nguồn lực trí tuệ của Việt Nam để tham gia vào nền kinh tế số thời gian tới. Triển vọng này ngày càng rõ ràng khi trên thực tế đã và đang có rất nhiều DN startup, DN nhỏ và vừa trong nước có tiềm năng thúc đẩy ĐMST, bởi các DN này đã thu hút sự tham gia rất lớn của cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các nguồn lực từ nước ngoài.

Bên cạnh việc đề xuất chính sách, NIC có những giải pháp nào để tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy ĐMST?

Thực tế, ĐMST là lĩnh vực mới nên cơ chế chính sách còn một số điểm chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. NIC sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành, tổ chức quốc tế đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam.

Đồng thời, NIC tiếp tục phối hợp với các tổ chức như: Ngân hàng Phát triển châu Á, USAID... hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao năng lực số và chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị và địa phương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy ĐMST cho các địa phương như: TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng…, qua đó cụ thể hóa chính sách khuyến khích, thúc đẩy ĐMST.

Bên cạnh đó, NIC sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống “một cửa” để hỗ trợ DN ĐMST cũng như các nhà đầu tư, tạo thuận lợi trong việc đầu tư vào các hoạt động khởi nghiệp ĐMST, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển bền vững nền kinh tế.

Chuyên đề