Tiếp sức đến trường cho học trò nghèo xã Tân Nguyên

(BĐT) - Đã từng bước chân qua nhiều miền quê, kéo điện lưới từ rẻo cao heo hút đến những cánh đồng rộng thênh thang sải cánh cò bay, nhưng khi đặt chân tới xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nơi thi công Dự án Đường dây 220kV Bảo Thắng - Yên Bái, chúng tôi vẫn không khỏi bùi ngùi. 
Chương trình thiện nguyện "Tiếp sức đến trường" đã trao nhiều món quà ý nghĩa cho các học sinh Trường Tiểu học Tân Nguyên
Chương trình thiện nguyện "Tiếp sức đến trường" đã trao nhiều món quà ý nghĩa cho các học sinh Trường Tiểu học Tân Nguyên

Thấu hiểu và sẻ chia nhọc nhằn với các cô bé, cậu bé học trò nghèo khao khát con chữ nơi này, chúng tôi như có thêm phần động lực để tiếp tục đi xây những công trình mới. 

Mong ước đến trường

Trên đường đến xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chúng tôi không khỏi rùng mình khi phải đối mặt với chặng đường ngoằn ngoèo, uốn khúc quanh co, lượn lên lượn xuống đến chóng mặt. Càng đi, càng khó, nhưng càng đi, chúng tôi càng hứng thú. Điều mà mọi người trong Đoàn công tác của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) mong ngóng nhất là muốn biết rõ các em học sinh ở xã nghèo Tân Nguyên cần gì nhất lúc này.

Sau ba tiếng đồng hồ uốn lượn trên cung đường dài 150 cây số, cuối cùng chúng tôi cũng đã tới Trường Tiểu học xã Tân Nguyên, nằm trên sườn đồi tại thôn Trại Phung, xã Tân Nguyên. Vừa chiêu ngụm nước nóng hổi, ông Hà Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên tiếp chuyện chúng tôi. Ông Chí cho biết, xã Tân Nguyên có tới 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 50% là hộ nghèo. Đa phần các em học sinh ở đây đều phải đi học rất vất vả, khó khăn. Có những em phải đi tới 8 - 9 cây số từ nhà đến trường trên con đường đất lầy lội. Hiện nay, Nhà trường chưa có hỗ trợ các em ăn bán trú tại Trường. Nếu phải học cả ngày, hầu hết các em học sinh đều phải ở nhờ qua trưa tại nhà dân gần các điểm trường. Để hỗ trợ cho các em, chính quyền xã đang thực hiện theo chính sách của Nhà nước, đó là hỗ trợ mỗi học sinh 15 cân gạo mỗi tháng, nhưng chỉ với những em đăng ký học bán trú.

Hai trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Nguyên đã được sáp nhập thành một trường học liên cấp. Tổng số học sinh của cả hai trường sau khi sáp nhập là 506 học sinh. Tuy vậy, Ban giám hiệu Nhà trường vẫn đang phải phân bố các em học tại 4 điểm trường. Điểm trường chính là trường tiểu học, một điểm là trường trung học cơ sở, còn lại hai điểm lẻ ở cách xa trung tâm xã Tân Nguyên lần lượt là 3 và 4 km. Trong đó, một điểm lẻ có 2 lớp tiểu học với tổng số khoảng hơn 50 em. Điểm lẻ còn lại có một lớp mẫu giáo với khoảng hơn 20 cháu.

Tại điểm trường chính, cách UBND xã khoảng 500 m có 23 lớp học nhưng hiện chỉ mới sử dụng 15 lớp. Hiện giờ tất cả các lớp học đều được lợp mái bằng tấm lợp xi măng, nhuốm đậm màu rêu phong. Trong đó, có 3 lớp học chưa được gắn lót trần tránh nóng; 4 lớp học khác gắn lót trần bằng tấm bạt, vốn lâu ngày đã dần rách, bung vụn. Một số lớp học chưa có lót trần, hoặc tấm bạt rách nát có cũng như không, ngày nắng các em sẽ phải chịu đựng cái nắng nóng đến khát khô cổ, thi thoảng lại thêm cơn mưa bụi.

Khác với điểm trường chính, điểm trường lẻ nằm cách xa trung tâm Xã. Muốn tới đó, chỉ có cách là đi qua con đường đất lầy lội dài 3 km. Trời nắng thì còn đỡ, chứ nếu trời mưa thì thật khó có thể băng qua được, nói gì đi xe.

Ngày chúng tôi đi tiền trạm, trời mưa một lúc rồi tạnh. Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ khiến con đường trơn trượt. Đường đất ướt nhoẹt, nhiều vũng lầy xen lẫn vũng nước. Những luống đất bùn đua nhau nổi hẳn lên trên mặt đường như một thửa ruộng vừa mới được cày bừa xong, khiến cho chiếc xe phải oằn mình. Có những đoạn thật sự khó đi, buộc chúng tôi phải xuống xe, lội qua bằng chân đất.

Gần tới điểm học của các em, vang vang từ xa đã nghe giọng đọc bài trong trẻo, lảnh lót. Vào tận trong lớp học ngắm nhìn các thiên thần bé nhỏ với những ánh mắt to tròn, trong trắng, chúng tôi càng khao khát muốn giúp đỡ các em một phần nhỏ bé nào đó. Đa số các em học sinh ở điểm trường lẻ này đều rất khó khăn. Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những bàn chân trần dính bùn nhem nhuốc, chống chọi với mặt đất; những bộ quần áo bằng vải thô, đã phai màu, lấm lem bụi bẩn với nhựa cây.

Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn trên con đường đến trường của các em, đồng chí Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho chúng tôi biết, chính quyền xã và Nhà trường dự định xóa 2 điểm trường lẻ, quy tụ về các điểm trường chính. Như vậy, sẽ phải xây dựng thêm lớp học và cơ sở vật chất tại điểm trường chính. Tuy nhiên, vẫn chưa biết đến bao giờ mong ước đó mới được thực hiện.

Chia tay các học sinh nghèo, nhiều câu hỏi đặt ra khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Nếu vẫn tiếp tục cuộc sống vất vả như thế này thì các em học sinh ở điểm trường lẻ đến bao giờ mới thôi phải đến trường trên con đường đất lầy lội? Rồi khi dỡ bỏ các điểm trường lẻ này, các em sẽ phải đi học xa hơn tới 6 - 7 cây số, thì liệu tỷ lệ các em học sinh đi học có còn đạt 100% như hiện nay hay không?...

Khi bàn tay nắm những bàn tay

Mang theo những tâm sự và trăn trở này, chúng tôi - những người thợ truyền tải điện đã chia sẻ với các anh chị em trong Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc. Thật bất ngờ, ngay sau đó, được sự đồng ý của Lãnh đạo Ban, Đoàn thanh niên Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc đã tổ chức phát động Chương trình thiện nguyện mang tên "Tiếp sức đến trường" tại điểm Trường Tiểu học Tân Nguyên, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Bằng một chút tấm lòng thiện nguyện, sẻ chia của đại gia đình Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, chúng tôi đã góp phần làm cho mùa đông của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi hẻo lánh thêm phần ấm áp hơn. Cứ nghĩ các em có thêm quần áo mặc để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt nơi miền núi Tây Bắc, đến trường với cặp sách mới, đồ dùng học tập mới, trên môi rạng rỡ nụ cười làm cho chính chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn.

Chuyên đề