Tiếng gọi của mùa Xuân

(BĐT) - Trên dải đất hình chữ S có rất nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Ở mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng, nhưng dù có riêng gì thì cái không bao giờ khác được là chuyện tình yêu đôi lứa. Mùa Xuân, mùa khởi đầu của vạn vật, mùa nảy nở của yêu thương, cũng là mùa mà họ tìm đến với nhau… 
Chợ tình là nơi hò hẹn của những chàng trai, cô gái Mông từ bao đời nay. Ảnh: Việt Hùng
Chợ tình là nơi hò hẹn của những chàng trai, cô gái Mông từ bao đời nay. Ảnh: Việt Hùng

Những phiên chợ tình trên núi

Sa Pa bên cạnh bao nhiêu vẻ đẹp mà nhiều người cầm bút, cầm máy đã ghi lại, còn là nơi hò hẹn của những lứa đôi từ bao đời nay. Ấy là những cô gái Mông luôn miệt mài với công việc xe lanh, nhuộm vải. Ấy là những chàng trai Mông ngang tàng với những cây dao, khẩu súng kíp đầy tinh thần thượng võ. Chính họ là những người đã góp phần tô thêm cái màu chàm bình dị mà sinh động của cuộc sống vào màu của núi non, cây cỏ.

Đêm xuống, họ tìm nhau bằng tiếng đàn môi bập bùng, bằng tiếng nhị réo rắt thiết tha trên những con đường hoe vắng, tạo nên một không khí thật nguyên sơ. “Chợ Tình” đấy. Cái “chợ” mà lâu nay từng khiến bao người, cả ta, cả tây, cứ tò mò và háo hức. Chợ được “họp” vào tối thứ Bảy hàng tuần.

Vào những ngày đó, khi thị trấn lên đèn, từ khắp các ngả đường, người ta lũ lượt đổ về khu vực trung tâm. Từng tốp, từng tốp, ban đầu là nam riêng, nữ riêng, sau đó là đan hoà vào với nhau, tiếng đàn môi của các cô gái xen lẫn với tiếng nhị của các chàng trai tạo nên một thứ hoà âm từ đáy sông cao tới tận sườn non. Và rồi chẳng biết những “nam thanh nữ tú” người Mông ấy đã “nhấm nháy” nhau từ khi nào, hay chỉ đến đây họ mới bắt đầu đi “tìm” để “hiểu”, mà chỉ một chập từ đầu đến giữa đêm là “chợ” đã vãn. Từng cặp, từng cặp dìu nhau mất hút vào màn đêm dày đặc và se lạnh của vùng cao. Khi đó, những người đã quen chỉ cần nghe tiếng nhị cũng có thể biết được chủ nhân của nó đang ở trong tâm cảnh nào.

“Chợ tình” là chỗ để tìm nhau. Ngoài Sa Pa, người ta còn biết đến “Chợ tình” Mường Khương (Lào Cai) và “Chợ tình” Khau Vai (Hà Giang) nữa. Nhưng cái đặc biệt của chợ Khau Vai là mỗi năm chỉ họp có một lần, vào dịp tháng Ba. Quanh năm tất bật với mưu sinh, chỉ có một ngày được trở về sống thật với lòng mình, với những kỷ niệm nồng nàn, âu cũng là điều đáng để người ta mong đợi suốt năm và ghi nhớ suốt đời... 

Cạy cửa tìm nhau

Người Dao Tiền ở Thanh Sơn, Phú Thọ sống ven những sườn núi, bên những mảnh nương nhỏ, rải rác, với những bận bịu riêng của mỗi người, nên họ ít có cơ hội giao tiếp với nhau ngoại trừ một vài câu chuyện họa hoằn bên bến nước cuối ngày. Vậy nên đêm xuống, là lúc các trai bản lên đường tìm đến từng nhà...

Cách người Dao Tiền tìm đến với nhau xem ra có vẻ gì đó vừa ngang tàng, lại vừa quyết liệt. Đó là cạy cửa tìm nhau. Theo phong tục, nhà nào có con gái đến tuổi cập kê thì cha mẹ đều phải kê giường cho con ở sát cửa ra vào. Tối đến, các chàng trai có thể cạy cửa vào nhà rồi tìm tới giường của cô gái để xin phép được tìm hiểu. Gọi là cạy cửa, nhưng xin đừng hiểu theo nghĩa của hành vi “leo tường, khoét vách”. Chàng trai chỉ việc luồn tay qua khe cửa, lần ngược lên trên để nhấc chiếc chày gỗ chèn cửa đặt nhẹ nhàng ra ngoài là xong. Nếu cô gái không ưng thì có thể đuổi ngay anh chàng ra ngoài.

Ngược lại, nếu cô gái đồng ý, anh chàng có thể ở lại trong màn, bố mẹ dù có biết mười mươi cũng phải tỏ ra không hề hay biết. Có trời mới biết được họ “tìm” gì và “hiểu” được những gì ở nhau đêm ấy, nhưng nhiều cặp đã thành vợ thành chồng chỉ sau một lần “cạy cửa”. Cũng có anh chàng “cao số”, đi khắp bản mà chẳng được ai ưng, rồi chuyện có người khi vào đến nơi, thấy im ắng, tưởng ngon lành, hoá ra “lô cốt” đã có “địch”, lại ngậm ngùi quay ra cũng không phải là không từng có. Ấy thế mà chưa bao giờ thấy có chuyện mất đoàn kết giữa các chàng trai trong bản. Hoá ra quyền đi tìm tuy là ở người con trai, nhưng quyền lựa chọn thì vẫn là ở người con gái và với cánh đàn ông, chuyện “cạy cửa” để vào được nhà nhiều khi tưởng là khó, nhưng rồi hoá ra đến lúc muốn ra khỏi cửa còn khó hơn rất nhiều... 

Chọc sàn, dỡ vách thành duyên

Đã bao giờ bạn để ý ngôi nhà sàn của người Thái Tây Bắc có điểm gì đặc biệt khác với những ngôi nhà sàn của các dân tộc khác hay chưa? Đó là sàn nhà được lát bằng những thân vầu bổ ra thành sạp, giống như những tấm mành của người miền xuôi, thay vì sàn gỗ. Chẳng hiểu xa xưa điều đó có nguyên nhân gì, nhưng với những cặp tình nhân thì điều ấy thật tiện để hẹn hò.

Khi đã “bén” nhau từ sau những hội còn, những đêm xòe tưng bừng, náo nhiệt, đến mùa Xuân, khi hoa ban nở trắng núi trắng rừng, khi một chàng trai cảm thấy trong lòng không thể dửng dưng trước một bóng dáng yêu kiều nào đó, thì đêm xuống, chờ cho đến lúc mọi công việc của một ngày đã kết thúc, chàng trai sẽ tìm đến nhà cô gái, chọn đúng chỗ cô gái nằm ngủ và chọc nhẹ vào sàn. Và cũng thật nhẹ nhàng, cô gái dỡ tấm ván vốn được kín đáo gá hờ bên vách nhà từ trước, đu mình ra ngoài. Dưới sàn, chàng ghé lưng cõng nàng chạy thẳng vào rừng. Ở đó, đất trời là của họ, bờ cây, dòng suối là của họ và tương lai đang chờ đợi họ... 

Đi sim, ngủ thảo

Đối với một số dân tộc sống bên dãy Trường Sơn thì đời sống cộng đồng có một vai trò rất quan trọng. Chính vì lẽ đó mà ngay cả việc tìm hiểu nhau của thanh niên nam nữ đến tuổi lập gia đình cũng không nằm ngoài những tập quán gắn với sinh hoạt tập thể của họ. Người Vân Kiều và một số dân tộc khác ở miền núi tỉnh Quảng Trị và một số vùng lân cận có tục “đi sim”, là cách để thanh niên nam nữ có điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu nhau.

Thường thì mỗi bản đều có một ngôi nhà gọi là Nhà Sim, trong những dịp lễ hội, thanh niên nam nữ trong bản sẽ tập trung lại Nhà Sim để nghe người già trong bản truyền dạy những điều cần biết cho cuộc sống mai sau cùng những phong tục tập quán của dân tộc mình mà họ có trách nhiệm gìn giữ. Sau mỗi đêm như vậy, khi người già đã trở về nhà, đám thanh niên ngủ lại Nhà Sim sẽ có cơ hội để tìm hiểu lẫn nhau. Như một đàn chim mới ra ràng, chúng ríu rít cùng nhau một chặp, rồi từng đôi một sẽ dần tách ra khỏi bầy để tìm nơi đậu riêng cho mình. Cùng với những gì đã học được ở Nhà Sim, những đôi chim này thực sự có đủ khả năng để xây nên một chiếc tổ riêng của mình.

Cũng tương tự như Đi Sim, người Raglai ở vùng Nam Trung Bộ có tục Ngủ Thảo, cũng là cách để cho những con chim tự do tìm đến với nhau. Có thể nói Đi Sim hay Ngủ Thảo thì cũng đều là những sinh hoạt mang tác dụng tích cực trong đời sống cộng đồng của người dân ở những vùng này. Có lẽ ngoài những đạo lý mang tính tập quán của mỗi dân tộc, thì chính sự tự do lựa chọn của những con chim trong những lần Sim, lần Thảo ở đây chính là nguyên nhân giữ cho cuộc sống lứa đôi của họ mãi mãi vững bền...

*****

Trên con đường lang thang suốt dọc dài đất nước, những câu chuyện của tình yêu vẫn mãi chẳng bao giờ cũ. Có thể hôm nay cái cách mà người ta tìm đến với nhau đã phần nào khác đi, nhưng cho dù bằng cách nào đi chăng nữa, thì đã đến với nhau cũng là đến bằng cả tấm lòng. Và mùa Xuân với những mầm non căng tràn nhựa sống khắp rừng khắp núi, có gì đó vừa như thúc giục, chở che, lại vừa như đồng lõa với những tiếng gọi tự ngút ngàn…

Chuyên đề