Tiếng còi xe cứu thương và những ám ảnh dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Người dân ở vùng dịch vẫn chưa quên được tiếng còi xe cứu thương, câu chuyện thân phận của 2.000 trẻ em mồ côi là những vấn đề tâm lý cần chú trọng giải quyết tốt song hành với các giải pháp cho phát triển kinh tế thời gian tới.
Đại biểu quốc hội Lê Minh Hoan. Ảnh: Internet

Đại biểu quốc hội Lê Minh Hoan. Ảnh: Internet

Tại cuộc họp ở tổ về vấn đề kinh tế - xã hội sáng ngày 21/10 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan (Bộ NNPTNT) cho biết, chúng ta đang đối diện với những biến động phức tạp trong đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ tính toán và dự báo sức hồi phục của từng ngành sau đại dịch, ngành nào sẽ mất đi mà vấn đề tâm lý của người dân từ vùng dịch, tiếng còi xe cấp cứu và tổn thất nặng nề của dịch bệnh sẽ còn ảnh hưởng và ám ảnh họ dài hạn. Do đó, khi tính giải pháp cho các vấn đề kinh tế, đừng quên vấn đề tâm lý xã hội và day dứt với thân phận của 2.000 cháu bé mồ côi

Về kinh tế, theo đại biểu Lê Minh Hoan, điều đáng chú ý là đầu vào của nhiều lĩnh vực kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn cung nước ngoài. Chẳng hạn, 70 - 80% đầu vào của ngành nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu. Như vậy, khi thị tường nhập khẩu lung lay thì ngành sản xuất sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần có chính sách để nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Về lao động, theo ông Hoan, cần có chiến lược khuyến khích người lao động trở lại nhà máy, trong đó có nghĩ đến việc nâng cao mặt bằng thu nhập. “Có người nói mới 3 - 4 tháng đã hết thu nhập tích lũy là điều đáng băn khoăn. Hơn nữa, cần tính toán làm sao nếu người lao động trở lại nhà máy nhưng vẫn tiếp tục sống trong các khu nhà ổ chuột? Như vậy, chủ lao động cần phải nâng cao mặt bằng, phúc lợi trong khả năng cho phép. Làm như vậy cũng là cách thức để vượt qua "lời nguyền lao động giá rẻ", ông Hoan cho biết.

Chuyên đề