Bất động sản Đông Anh bất ngờ nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. |
Hỏi nhiều nhưng mua còn cân nhắc
Chia sẻ với phóng viên, anh Hợi ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, nơi đang trong “cơn sốt” đất hiện nay và đang rao bán mảnh đất khoàng 100 m2 cho biết, vài tháng trở lại đây giá đất quanh khu vực cầu Nhật Tân - Nội Bài chỉ nhúc nhích tăng khoảng 10 - 15%, những nơi có vị trí đẹp mới tăng khoảng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2016.
Cụ thể, giá đất mặt đường đẹp, gần cầu Nhật Tân giá dao động từ 30 - 40 triệu đồng/m2, còn trong ngõ dao động từ 15 - 25 triệu đồng/m2.
“Mọi người cứ bảo giá tăng ầm ầm, nhưng thực tế không như vậy, người hỏi thì nhiều nhưng mua còn cân nhắc, lưỡng lự lắm”, anh Hợi cho biết.
Anh Hưng (quê Thái Bình), người xem mua đất ở khu vực này cho biết, gia đình có nhu cầu ở thật, nhưng cũng đang thăm dò xem giá cả thế nào. Nhiều chủ đất thách giá cao từ 15- 30 triệu đồng/m2, nhưng có chỗ lại thấp hơn, nên anh không biết quyết định thế nào.
Anh Nguyễn Văn Xuyên, môi giới nhà đất tại khu vực huyện Đông Anh cũng cho biết, tại huyện Đông Anh, hiện giá đất chỉ tăng cao ở khu vực thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, còn các khu vực khác, giá cả không biến động nhiều.
Theo anh Xuyên, lý do đất khu vực thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc tăng giá thời gian qua là do giáp chân cầu Nhật Tân. Hiện nay, từ trung tâm huyện Đông Anh đi vào khu vực đường Bưởi, đường Hoàng Quốc Việt, hay Hồ Tây chỉ mất từ 15 - 30 phút đi xe máy. Đặc biệt, khu vực “đất vàng” Hồ Tây với nhiều tiện ích nổi trội rất hấp dẫn người mua.
Cùng quan điểm này, đại diện UBND xã Hải Bối, địa phương cũng đang có hiện tượng tăng giá đất cho biết, mới đây, vài lô đất trong xã với vị trí đẹp được bán đấu giá khoảng 30 triệu đồng/m2, còn trung bình, giá đất thổ cư được người dân bán dao động từ 12 - 20 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Xuân Bình, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh cho biết, ngoài lợi thế về vị trí địa lý, thế đất, việc hàng loạt đại gia ngành bất động sản như Sun Group, Vingroup, Becamex ITC đổ hàng nghìn tỷ đồng vào Đông Anh với các công trình tầm cỡ như Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia lớn nhất châu Á tại xã Đông Hội, Dự án Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy tại xã Vĩnh Ngọc, xã Tiên Dương, Công viên công nghệ phần mềm tại xã Tiên Dương, xã Nguyên Khê..., cũng là nguyên nhân khiến bất động sản ở đây được quan tâm hơn.
Cẩn tắc vô áy náy
Đánh giá về thị trường bất động sản Đông Anh, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, hàng loạt công trình giao thông quan trọng tại khu vực Đông Anh đã được đưa vào hoạt động, cùng với các dự án lớn “đổ bộ” đã khiến khu vực này hút các nhà đầu tư. Chính vì vậy, giá bất động sản bám sát các trục chính quy hoạch tăng là điều dễ hiểu.
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên thận trọng, không nên đầu tư theo tâm lý đám đông khi các quy hoạch còn chưa rõ ràng. Đối với những mảnh đất đã có sổ đỏ và quy hoạch rõ ràng thì sẽ yên tâm, nhưng đất chưa rõ quy hoạch, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi xuống tiền”, bà Hằng khuyến cáo.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng thừa nhận, đang có làn sóng của các nhà đầu tư vào đất nền. Có nhiều lý do, nhất là tâm lý thích có “mảnh đất cắm dùi” của người dân. Bên cạnh đó, các thông tin về hạ tầng, “siêu dự án”, việc lên quận…, cũng tạo hiệu ứng khiến giá đất tăng.
“Nhiều người mua cho rằng, đầu tư đất nền mới là đúng vì giá đang tăng. Tuy nhiên, mua đất nền đa số là đầu cơ, nên cần chú ý có thể chững lại khi nhà đầu tư thấy khả năng khai thác khó. Khi đó, giá đất nền sẽ nhanh chóng hạ nhiệt”, ông Hiển cho biết.
Các chuyên gia bất động sản đưa ra lời khuyên, khi mua đất nền cần chú ý về tính pháp lý của dự án, khu đất, xem dự án đã được phê duyệt 1/500 và chủ dự án đã có sổ, đã đóng tiền sử dụng đất chưa. Mặt khác, cam kết của chủ đầu tư về hạ tầng và thực tế chủ đầu tư đang triển khai…, tất cả phải được thể hiện rõ trên hợp đồng, chứ không chỉ “lời hứa”.
Ngoài ra, cần kiểm tra chủ đầu tư có là nhà đầu tư uy tín trên thị trường không và quan trọng nhất, người mua cần phải tự mình kiểm chứng thông tin, “cẩn tắc vô áy náy”, không quá tin lời “cò” để tránh rủi ro đáng tiếc.