Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018. Ảnh Quang Hiếu |
Lan tỏa từ trung ương đến địa phương
Theo Báo cáo, tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ. Từ phía các địa phương, đặc biệt là TP. HCM đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn cá nhân khởi nghiệp, kết nối họ với các nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn. Các bộ ngành, địa phương, đài truyền hình, các chương trình dự án của nước ngoài, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã tổ chức hàng trăm hội thảo, hội nghị, cuộc thi, chương trình dành cho khởi nghiệp trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực triển khai Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, khảo sát tình hình một số bộ ngành, địa phương thi hành pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp. Ngày 23/01/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-BTP về Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2017. Trong đó, lĩnh vực trọng tâm liên ngành được xác định là lĩnh vực hỗ trợ DN khởi nghiệp, theo đó, tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động... Kết thúc năm 2017, có 08 bộ, ngành và 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản và tổ chức thực hiện về theo dõi thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm.
Cũng trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức các hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tại một số Bộ và địa phương để xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ DN khởi nghiệp, trong đó tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động.
Tích cực tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp
Về cải cách thủ tục hành chính, năm 2017, Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với mục tiêu cắt giảm ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong các lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.
Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018. Theo đó, Bộ dự kiến sẽ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Đến nay, Bộ Công Thương đã kết nối kỹ thuật và thử nghiệm trao đổi dữ liệu với cơ chế một cửa quốc gia dưới dạng nhúng; ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
Bộ Xây dựng cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 25% so với trước đây. Cụ thể như thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án giảm từ 30 ngày xuống 25 ngày làm việc (giảm 5 ngày); thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc; thời gian về cấp phép xây dựng giảm từ 7-10 ngày, thời gian về kiểm tra nghiệm thu giảm 10-20 ngày so với trước đây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực do Bộ quản lý theo hướng tránh chồng chéo, giảm đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu. Đồng thời, Bộ đã công bố chuẩn hóa với 453 thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành.
Về tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn lực, theo Báo cáo, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cân đối vốn, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tính đến ngày 30/11/2017, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển DN với lãi suất thấp hơn trần của Ngân hàng Nhà nước (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm); giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm....
Về nỗ lực giảm chi phí kinh doanh cho DN, Bộ Giao thông vận tải đã và đang tích cực đàm phán với các nhà đầu tư để tiếp tục giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ (giảm phí) khi áp dụng Thông tư 35/2016/TT-BGTVT. Đến nay, Bộ đã thực hiện giảm giá 35/73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (bao gồm: 55 trạm thuộc các dự án BOT đã hoàn thành đi vào khai thác và 18 trạm thuộc các dự án BOT đang thực hiện đầu tư, chưa thu giá dịch vụ)...
Với những nỗ lực trên của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2017. Cũng năm 2017, số DN thành lập mới cũng tăng ấn tượng với gần 127.000 DN mới được thành lập, thu hút FDI tăng cao….