Thúc đẩy tiêu dùng trong nước: Giảm giá và tăng chất lượng sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đẩy mạnh tiêu dùng được coi là một trong những động lực chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng 7 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Ảnh: Tâm An
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng 7 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Ảnh: Tâm An

Tuy nhiên, cách thức thực hiện việc này từ trước tới nay được đánh giá là chưa thực chất và hiệu quả thấp. Do đó, cần thay đổi cách làm từ việc cải thiện năng lực sản xuất, quyết liệt giảm chi phí phân phối thay vì chỉ chú trọng các chương trình khuyến mãi và kết nối cung cầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Văn bản 1259/TTg-KTTH chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Một trong những điểm đáng chú ý của văn bản này là Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân. Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng.

Thúc đẩy tiêu dùng cũng là một trong ba cấu phần trong “cỗ xe tam mã” hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từng được Thủ tướng nhắc đến tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đầu tháng 7.

Liên quan đến nội dung này, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng 7, tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ năm trước.

Để đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, nhiều chương trình kích cầu hàng hóa và phát triển thị trường trong nước đã được các cơ quan chức năng triển khai trong nhiều năm, song có ý kiến cho rằng cách thức này chỉ chạm đến “phần ngọn” và cần thay đổi hướng triển khai bằng các chính sách có tính bài bản hơn.

Nhiều năm công tác trong ngành và theo dõi lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng hóa của Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, cách thức thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đặc biệt là tăng sức mua với hàng Việt Nam vẫn chưa thực chất và kém hiệu quả.

Theo đó, các biện pháp chủ yếu là thực hiện các chương trình khuyến mãi, kết nối sản xuất với người tiêu dùng, kết nối các vùng miền, tổ chức các hội chợ/triển lãm hàng hóa. Tuy nhiên, sau tháng khuyến mãi, sau hội chợ xúc tiến thương mại, hàng hóa vẫn không dễ dàng đến được với các kênh phân phối và người tiêu dùng bởi chi phí phân phối quá lớn làm đẩy giá bán hàng hóa.

Bên cạnh đó, cách thức quản lý các hội chợ, triển lãm chưa được chặt chẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa kém chất lượng và nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng bị trà trộn. Mặt khác, chất lượng hàng hóa Việt Nam đã có sự cải thiện song khâu quản lý chất lượng vẫn còn nhiều điểm hạn chế dẫn đến một số vụ việc hàng hóa kém chất lượng như “pate Minh Chay” làm giảm niềm tin người tiêu dùng. Những điều đó góp phần làm giảm sức mua của người tiêu dùng với hàng hóa trong nước.

Do đó, ông Phú cho rằng, chủ trương về thúc đẩy tiêu dùng trong nước là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời tạo nền tảng và bước đệm cho ngành sản xuất trong nước tiếp tục phát triển về trung và dài hạn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cần rõ ràng và cụ thể, cần thực hiện ngay chiến lược cải thiện chất lượng hàng hóa cho từng ngành hàng và quyết liệt giảm chi phí phân phối trên thị trường. “Nếu chỉ dừng ở các tháng khuyến mãi và các chương trình kết nối thì đâu sẽ lại vào đấy và hàng Việt Nam vẫn sẽ khó chiếm lĩnh được thị trường của chính chúng ta”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, chính sách hỗ trợ để tăng bán hàng cho doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay và kể cả sau này. Tuy nhiên, thực hiện điều này cũng sẽ không hề dễ dàng bởi các rào cản về năng lực sản xuất, năng lực phân phối, chi phí kinh doanh rất lớn.

Do đó, điều quan trọng hơn hiện nay là giải quyết từ khâu sản xuất, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa sản xuất và phân phối để hàng hóa chất lượng với giá hợp lý đến được tay người tiêu dùng. “Dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng 100 triệu dân luôn có nhu cầu tiêu dùng, song lựa chọn hàng hóa nào còn phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa và giá bán chứ không chỉ là các chương trình khuyến mãi hoặc các hội chợ kích cầu diễn ra trong thời gian ngắn và không chất lượng”, ông Minh nói.

Chuyên đề