Thừa Thiên Huế hụt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao. Dù vậy, theo ghi nhận, mưa liên tục tháng cuối năm, nhất là khoảng thời gian sát nghỉ Tết Dương lịch đang là một yếu tố bất lợi, cản trở việc đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.
Tính đến ngày 29/12/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 60,2%. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Tính đến ngày 29/12/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 60,2%. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Một trong những giải pháp cụ thể là trong tháng 10 và tháng 12/2022, hai công trình trọng điểm có vốn đầu tư lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế được khởi công xây dựng gồm: Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 (tổng mức đầu tư là 757 tỷ đồng); Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (vốn đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, xác định công tác thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là mục tiêu quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân cũng như tiến độ thực hiện đầu tư công. Các chủ đầu tư dự án đã cụ thể hoá chỉ đạo của UBND Tỉnh bằng những biện pháp mạnh tay, trong đó, đốc thúc nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện công việc theo hợp đồng và xử phạt nhà thầu vi phạm.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Tỉnh đã tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng của các nhà thầu số tiền 120 triệu đồng, thu hồi bảo lãnh tạm ứng 4,4 tỷ đồng với đơn vị thi công Dự án Xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Hương Bình, thị xã Hương Trà. Đồng thời, tiếp tục yêu cầu các ngân hàng chi trả tiền bảo lãnh hợp đồng của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh số tiền trên 170 triệu đồng.

Các chủ đầu tư đã cử một Phó Giám đốc ban làm Giám đốc ban điều hành dự án và tổ chức họp tiến độ định kỳ 1 tuần/lần tại công trường nhằm tháo gỡ vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ để bù lại khối lượng ở những dự án có khối lượng thi công chậm, đề xuất hướng xử lý nếu nhà thầu vi phạm.

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các chủ đầu tư đề xuất nhu cầu điều chuyển vốn; trường hợp không có nhu cầu điều chuyển thì phải có cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. UBND Tỉnh sẽ tiến hành kiểm điểm các chủ đầu tư không đề xuất điều chuyển vốn, nhưng không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, giải ngân đầu tư công tại địa phương đến ngày 29/12 đạt 3.701 tỷ đồng/6.151 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022, đạt tỷ lệ 60,2%. “Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thanh toán tại các dự án đã có khối lượng công việc hoàn thành; phấn đấu đến 31/1/2023, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ khoảng 80%”, Lãnh đạo Sở cho biết.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả giải ngân của Tỉnh chưa cao chủ yếu do vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm, đặc biệt là các dự án ODA thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp; giá cả vật liệu tăng đột biến cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án.

Trước thực trạng này, tại Báo cáo thẩm tra về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, UBND Tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc nhằm giải ngân vốn đầu tư ngay những tháng cuối năm; kiên quyết điều chuyển, cắt giảm vốn đối với những dự án chậm tiến độ và xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Chuyên đề