Các phi công Việt Nam trong buổi huấn luyện, đào tạo phi công. |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo đầy đủ về thực trạng khan hiếm nhân sự kỹ thuật cao trong ngành hàng không. Bộ này phải gửi báo cáo trình Thủ tướng trong tháng 6.
Chỉ đạo này của Thủ tướng đưa ra trước phản ánh tình trạng thiếu nhân lực cản trở phát triển hàng không, nhất là phi công, kỹ thuật viên tàu bay... khi thị trường hàng không liên tục tăng trưởng 2 con số những năm gần đây.
Thị trường tăng trưởng nóng, cùng sự xuất hiện của các hãng bay mới đã khiến nguồn nhân lực kỹ thuật cao (phi công, kỹ thuật viên tàu bay...) trong ngành căng thẳng.
Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 5 hãng bay, gồm Vietnam Airlines, Vietjer Air, Jestar Pacific, Vasco và Bamboo Airways mới gia nhập cuối năm 2018.
10 năm qua, số tàu bay các hãng tăng hơn 3 lần, từ 60 lên 192 chiếc, chưa kể hơn 1.400 máy bay đã đặt hàng và đang chờ nhận. Đi liền với tăng số lượng hãng bay, tàu bay là nhu cầu nhân sự, trong khi nguồn cung căng thẳng, thời gian đào tạo dài. Bình quân mất 3-4 năm đào tạo một phi công lái chính loại máy bay thông dụng như Airbus A320, A321 và 7-8 năm cho Airbus A350, Boeing 787...
Theo báo cáo mới đây của Boeing, ngành hàng không thế giới sẽ cần tới 790.000 phi công mới vào năm 2037. Trong khi đó, tại Triển lãm hàng không Farnborough, Airbus ước tính nhu cầu ở mức 450.000 phi công vào 2035.
Số liệu từ đề án đánh giá tác động của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không Việt Nam năm 2018 cũng cho thấy, số lượng phi công đến 2018 của hãng là 1.100 người, dự báo sang 2019 là 1.293. Như vậy, trong một năm đơn vị này cần thêm 193 nhân sự là phi công.
Dự báo đến năm 2020, nhu cầu phi công của hãng này lên tới 1.340, tăng 240 phi công và đến 2025 sẽ cần đến 1.570 người. Đây là con số khá lớn trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới ngày càng khan hiếm phi công đủ tiêu chuẩn.