Thủ tướng: Sóc Trăng cần sớm thu hẹp khoảng cách phát triển

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo ra các đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển so với mức bình quân chung của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng. Ảnh VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng. Ảnh VGP

Tối 22/4, tỉnh Sóc Trăng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (4/1992-4/2017).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, địa phương; bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, là tỉnh có truyền thống cách mạng hào hùng, sau 25 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, khai thác tiềm năng lợi thế để đạt nhiều thành tựu khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp với hai sản phẩm chủ lực là cây lúa và con tôm đã có bước tiến vượt bậc và đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Những thành tựu rất đáng tự hào này đã tạo tiền đề để cho Sóc Trăng tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

“Chúng ta vẫn chưa thể bằng lòng”

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, “chúng ta vẫn chưa thể bằng lòng, còn rất nhiều lo lắng, trăn trở, vì kinh tế của Sóc Trăng cũng như một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp”. Hạ tầng kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đời sống của một bộ phận người dân chưa bảo đảm. Những hạn chế này là thách thức đối với cấp ủy và chính quyền của tỉnh, đòi hỏi phải phấn đấu giải quyết trong thời gian tới.

Thủ tướng khẳng định, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục dành sự quan tâm lớn hơn và tạo mọi điều kiện để Sóc Trăng phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ 13 đã đề ra kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt được điều này, với vị trí địa lý kinh tế, điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi, đặc biệt là một trong những cửa ngõ thông ra biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh cần năng động, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo ra các đột phá nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển so với mức bình quân chung của cả nước.

Phát triển công nghiệp không để ảnh hưởng đến môi trường

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển, trong đó tập trung đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, thúc đẩy liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phối hợp xây dựng các đề án liên kết phát triển; trước mắt cần khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án có tính liên vùng. Xác định danh mục dự án cấp bách để tập trung phát triển như hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp, thoát nước, các công trình ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ảnh VGP

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; chủ động hội nhập quốc tế, tìm kiếm thị trường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, thủy sản…

Phấn đấu đến năm 2020 có trên 5.000 doanh nghiệp. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án vào khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghệ cao.

Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích tích tụ đất đai, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực. Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là ở các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Phát triển công nghiệp cần tập trung vào những thế mạnh của tỉnh, không để ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị của nông sản và thủy sản.

Nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Phát triển mạnh du lịch sinh thái sông nước và du lịch văn hóa; kết nối các điểm tham quan, du lịch biển, ưu đãi đầu tư du lịch với chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút từ 2-3 triệu lượt khách du lịch.

Ba là, tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Làm tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo những người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo và đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung phát triển giáo dục và đào tạo; chú trọng đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Quan tâm đầu tư các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Quản lý tốt việc khai thác cát sỏi lòng sông

Bốn là, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, đặc biệt là xâm nhập mặn, có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Chú trọng bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển, cụm công nghiệp. Quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, đất, quản lý tốt việc khai thác cát sỏi lòng sông. Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng trao danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch nước phong tặng cho bà Lâm Thị Nguyệt. Ảnh VGP

Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương với tinh thần liêm chính, kiến tạo, hành động vì người dân và doanh nghiệp. Tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu trong nhóm đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Không ngừng quan tâm xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Chú trọng công tác cán bộ, nhất là nguồn cán bộ trẻ, có năng lực, cán bộ người dân tộc để quy hoạch lâu dài cho tỉnh.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng những việc làm thiết thực tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện chung tay giúp Sóc Trăng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung khơi dậy tiềm năng thế mạnh trong các lĩnh vực để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng do Chủ tịch nước phong tặng cho bà Lâm Thị Nguyệt.

Chuyên đề