Ủy ban sông Mekong quốc tế (tiền thân của Ủy hội sông Mekong quốc tế) đã được thành lập từ năm 1956 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để điều phối tài trợ và quản lý tài nguyên trong lưu vực.
Trong những thập kỷ 1960-1970, do chiến tranh, bất ổn chính trị và chia rẽ trong khu vực nên các hoạt động hợp tác Mekong rất khó khăn, có lúc bị gián đoạn song vẫn được suy trì và khẳng định sự cần thiết.
Đến năm 1995, sau bầu cử tại Campuchia, 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mekong 1995 và thành lập Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission, viết tắt là MRC) - thay cho Ủy ban sông Mekong.
Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mekong. Hiệp định còn tiến xa hơn các văn kiện của các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác về các quy định cụ thể và chặt chẽ về quy chế sử dụng nước, trong đó có 5 bộ Thủ tục quy định về bảo đảm dòng chảy mùa khô; số lượng nước; chất lượng nước, thông báo, tham vấn trước khi xây dựng các công trình dòng chính Mekong.
MRC hiện đang triển khai Kế hoạch Chiến lược chu kỳ 5 (2016-2020) gồm 7 kết quả chính và hơn 190 hoạt động với tổng kinh phí ước tính khoảng 60 triệu USD. Mục tiêu của kế hoạch nhằm thực hiện các ưu tiên chiến lược của Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tiếp tục thực hiện chuyển giao chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông về cho quốc gia và các hoạt động của cải tổ Ban Thư ký Ủy hội.
Từ năm 2010, Ủy hội đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao 4 năm một lần. Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất của MRC được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan (tháng 4/2010). Hội nghị Cấp cao lần 2 của MRC được tổ chức vào tháng 4/2014 tại TPHCM, Việt Nam. Hội nghị cấp Cao lần 3 được tổ chức vào tháng 4/2018 tại Siem Reap, Campuchia.