Thủ tướng nhắc các Bộ chấn chỉnh việc kiểm tra chuyên ngành

Trước thực tế thời gian để doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong nhiều trường hợp dài gấp 300 lần thời gian làm thủ tục hải quan, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan cần chấn chỉnh việc “co kéo lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, trao đổi với các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại cảng Hải Phòng. - Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, trao đổi với các doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại cảng Hải Phòng. - Ảnh: VGP

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả kiểm tra tháng 9 và kiến nghị về hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong tháng 9, Tổ công tác đã tiến hành 1 cuộc kiểm tra thực tế về lĩnh vực trên tại cảng Hải Phòng và 3 cuộc kiểm tra chuyên đề tại Bộ Y tế, Bộ Công Thương và UBND thành phố Hải Phòng.

Thời gian kiểm tra chuyên ngành dài gấp 300 lần hải quan

Qua kiểm tra thực tế cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2017, tại Chi cục Hải quan khu vực 3 – Cục Hải quan TP Hải Phòng, số tờ khai kiểm tra chuyên ngành là 23.508 trên tổng số 77.984 tờ khai xuất nhập khẩu, chiếm tỉ lệ 36,4%.

Thời gian làm thủ tục thông quan từ khi tiếp nhận tờ khai đến khi kết thúc kiểm tra chi tiết hồ sơ trung bình khoảng 46 phút đối với tờ khai luồng vàng và 1 giờ 10 phút đối với tờ khai luồng đỏ. Nhưng đối với tờ khai mang hàng bảo quản để chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành thì thời gian từ khi mang bảo quản đến khi thông quan trung bình khoảng 304 giờ (12,6 ngày).

“Kết quả kiểm tra cũng cho thấy một số quy định còn chồng chéo, xung đột, bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật và cả văn bản hành chính do các Bộ ban hành, tạo ra những rào cản, giấy phép con mang tính co kéo lợi ích ngành, lợi ích cục bộ, dẫn đến  một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản; phải thực hiện nhiều thủ tục KTCN của nhiều Bộ (tỷ lệ mặt hàng phải thực hiện 2 hoặc 3 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chiếm khoảng 58%), thậm chí của nhiều đơn vị thuộc cùng một Bộ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhận xét.

Báo cáo của Tổ công tác nêu ra hàng loạt bất cập, vướng mắc khác. Việc kiểm tra chuyên ngành còn mang tính thủ tục, hồ sơ nhiêu khê, đòi hỏi phải xuất trình cả những giấy tờ không liên quan đến chất lượng hàng hóa. Có trường hợp khi mở container để lấy mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm không có sự giám sát, chứng kiến của cơ quan hải quan theo quy định; hầu hết mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm do doanh nghiệp tự mang đến (mẫu xách tay), do đó mẫu kiểm tra, kiểm nghiệm không mang tính đại diện cho lô hàng xuất nhập khẩu, không bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Các Bộ thực hiện việc KTCN đối với 100% lô hàng trong quá trình thông quan nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, dưới 0,1%, các vi phạm chủ yếu về thủ tục hành chính. Như KTCN về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế: kiểm tra 407 lô hàng nhưng phát hiện có 2 lô; kiểm tra động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: kiểm tra 43.000 lô hàng, phát hiện có 20 lô...

Trong khi đó, kết quả kiểm tra tại Bộ Y tế cho thấy trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cải cách dịch vụ công. Việc thực hiện nhiệm vụ giao liên quan đến quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được Bộ triển khai thực hiện tích cực, một số bất cập, tồn tại trong công tác kiểm tra chuyên ngành được khắc phục. Tuy nhiên, công tác KTCN còn nhiều bất cập, gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Kết quả kiểm tra tại Bộ Công Thương cho thấy Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ Công Thương đã khắc phục được những bất cập, tồn tại trong thực tiễn công tác KTCN thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Tuy nhiên, do quy định của các Luật khác nhau, dẫn đến tình trạng chồng chéo danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành giữa Bộ Công Thương và các Bộ khác; chưa ký được nhiều hiệp định về công nhận lẫn nhau với nước ngoài; còn một số loại hàng hóa chưa ban hành được quy chuẩn; thủ tục/chứng từ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành cần cắt giảm hơn nữa…

Cắt giảm tối đa hàng hóa phải kiểm tra

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với các kiến nghị của Tổ công tác đã báo cáo và yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước 25/10.

Cụ thể, đối với các Bộ, cơ quan, địa phương, cần chấn chỉnh việc ban hành các văn bản chồng chéo, tạo ra thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp như một dạng giấy phép con, mang tính co kéo lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với các Bộ quản lý chuyên ngành, cắt giảm, thu hẹp tối đa số lượng hàng hóa phải KTCN, có số liệu cắt giảm cụ thể. Khẩn trương rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, đề xuất giải pháp khắc phục trước 15/10.

Đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế, công nhận lẫn nhau và chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...); đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, giảm danh mục hàng hóa phải KTCN tại khâu thông quan để bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15% đúng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19…

Với các Bộ được kiểm tra, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát và quyết liệt cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giảm 90% lô hàng thực phẩm nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành so với hiện nay.

Đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định về KTCN đối với thực phẩm nhập khẩu theo hướng áp dụng kiểm tra giảm (chỉ kiểm tra hồ sơ) đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm cùng loại sản phẩm, xuất xứ mà có thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu 3 lần liên tiếp. Chuyển sang hậu kiểm đối với thực phẩm thông thường, chỉ tiến hành KTCN tại khâu thông quan đối với một số thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Khẩn trương xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng công tác KTCN; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương chuyển các quy định về ATTP theo tiêu chuẩn Codex (hiện đang được các văn bản trong nước quy định về các mức giới hạn ATTP) thành các quy chuẩn kỹ thuật.

Áp dụng quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm đối với toàn bộ danh mục hàng hóa về thiết bị y tế, dược và mỹ phẩm như đã cam kết với Tổ công tác.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến góp ý của doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, như bãi bỏ quy định liên quan tại Thông tư 19/2012/TT-BYT về công bố hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra ATTP; bổ sung thêm đối tượng được miễn kiểm tra ATTP như: hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu kinh doanh cửa hàng miễn thuế, hàng quà biếu tặng nhập khẩu trong định mức miễn thuế, hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu...

Về việc kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i ốt, dù trên thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị kiểm tra nhưng đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối I ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối I ốt theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để không gây bức xúc cho doanh nghiệp và các Hiệp hội chế biến thực phẩm.

Đối với Bộ Công Thương, khẩn trương rà soát chuẩn hóa lại mã số HS của các hàng hóa trong Danh mục hàng hóa nhóm 2; khẩn trương ban hành Danh mục hàng hóa có mã số HS thuộc diện phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, hàng hóa không được nhập khẩu, sản xuất và lưu thông theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg để tạo sự thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.

Khẩn trương ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chuẩn Việt Nam đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ chưa có quy chuẩn hoặc quy chuẩn không phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương rà soát, thống nhất một số loại chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau.

Đối với Bộ Tài chính, khắc phục triệt để hiện tượng tiêu cực, “phí bôi trơn” còn xảy ra trong ngành hải quan như báo chí đã nêu và có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cán bộ có hành vi tiêu cực, sách nhiễu doanh nghiệp, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa...

Chuyên đề