Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp một số tập đoàn Thái Lan. Ảnh: VGP |
Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng nêu rõ quan điểm Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời lắng nghe, giải đáp và xử lý các kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp Thái Lan cũng như mời gọi các tập đoàn Thái Lan đầu tư vào một số lĩnh vực ở Việt Nam.
Đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, lãnh đạo các tập đoàn của Thái Lan thể hiện mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Vikrom Kromadit, Tổng giám đốc Tập đoàn AMATA Thái Lan và bà Somhatai Panicheawa, Tổng giám đốc Công ty Đại chúng AMATA Việt Nam cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo thuận lợi cho AMATA hoạt động ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Hiện nay, AMATA đang thúc đẩy đầu tư vào KCN Công nghệ cao Long Thành (Đồng Nai) và hai đô thị kế cận, chuẩn bị đầu tư dự án “Thành phố tương lai” Quảng Ninh với diện tích gần 6.000 ha, dự kiến tạo 100.000 việc làm và thu hút thêm 9 tỷ USD nguồn vốn FDI.
Lãnh đạo AMATA cam kết đóng góp vì sự phát triển của Quảng Ninh, mong muốn đầu tư dự án "Thành phố thông minh" tại Quảng Ninh. Hiện AMATA cũng đang triển khai các dự án thành phố thông minh tại Thái Lan.
Thủ tướng cho biết ủng hộ các hoạt động của AMATA tại Việt Nam, đồng thời lưu ý lãnh đạo công ty chú ý vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng và bảo vệ môi trường. Hoan nghênh AMATA đầu tư vào dự án thành phố thông minh tại Quảng Ninh, Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Ninh là một tỉnh cải cách hành chính mạnh mẽ tại Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh (có mặt tại buổi tiếp) phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để AMATA hoạt động tại địa phương.
Tiếp ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SGC, Thủ tướng cho biết ủng hộ các dự án đầu tư của Tập đoàn, trong đó có Dự án tổ hợp hoá dầu miền Nam (LSP) tại Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD, liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (29%) và Tập đoàn SCG (71%). Thủ tướng nêu rõ, đây là dự án lớn, trọng điểm, được Thủ tướng và Chính phủ hết sức quan tâm. Thủ tướng Việt Nam và Thái Lan cũng rất kỳ vọng vào dự án nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tập đoàn phối hợp với phía Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện công tác chuẩn bị để triển khai dự án. Cho biết công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục đã được phía cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết, Thủ tướng mong muốn SCG phối hợp với PVN và các cơ quan chức năng Việt Nam để có thể khởi công dự án vào tháng 9 tới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Tập đoàn để giải quyết các vấn đề còn lại và tiến hành khởi công dự án.
Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã báo cáo Thủ tướng về các biện pháp huy động vốn cho dự án và cam kết đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong quá trình triển khai dự án sẽ bảo đảm vấn đề môi trường, tạo việc làm và giúp nâng cao đời sống người dân địa phương.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ 2 Thái Lan với tổng giá trị tài sản 12,8 tỷ USD, ông chủ của Tập đoàn TTC Holdings với các thành viên: Big C & BJC và Thai Beverage PLC. TCC Holdings đã mua lại thành công Metro Việt Nam và Big C Thái Lan.
Tại buổi tiếp, ông Charoen Sirivadhanabhakdi bày tỏ mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, thông qua hệ thống chuỗi siêu thị bán lẻ Big C để đưa sản phẩm của Việt Nam ra khắp thế giới, nhất là các mặt hàng nông sản của Việt Nam có uy tín cao trên thị trường quốc tế. Tập đoàn cũng khẳng định thông qua hoạt động kinh doanh của mình sẽ góp phần đào tạo người lao động Việt Nam đạt trình độ quốc tế.
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết đang có kế hoạch đầu tư vào Sabeco và mong muốn Chính phủ Việt Nam ủng hộ việc này.
Tại buổi tiếp, hoan nghênh Big C đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình để giúp quảng bá và đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua, Thủ tướng đề nghị Big C, với tư cách là một nhà bán lẻ lớn, tạo điều kiện cho hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam có mặt trong hệ thống siêu thị của Tập đoàn, hỗ trợ người nông dân Việt Nam trong tiêu thụ nông sản, qua đó bảo đảm được nguồn hàng nông sản chất lượng tốt, giá cả hợp lý cho các siêu thị của Tập đoàn.
Thủ tướng cũng đề nghị Big C tiếp tục thông qua các hoạt động trách nhiệm xã hội để mở rộng hình thức hỗ trợ người Việt tại Thái Lan. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Nhà nước bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Thái Lan với tinh thần hai bên cùng thắng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Tos Chirathivat, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Central Group. Ảnh: VGP
Tiếp ông Tos Chirathivat, Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Central, Thủ tướng đánh giá Central là tập đoàn có uy tín, đã có bước thành công ở Việt Nam. Thủ tướng hoan nghênh ý định hợp tác của tập đoàn với các đối tác Việt Nam cùng phát triển.
Thủ tướng đồng tình với hướng đề xuất của Central về mở rộng tiêu thụ trái cây, nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đề nghị Central tăng cường đưa nhiều hàng nông sản Việt Nam vào bán ở các siêu thị Thái Lan, Thủ tướng mong Tập đoàn nghiên cứu đầu tư phát triển các hệ thống khách sạn cao cấp ở Việt Nam.
Chủ tịch Central cho biết dự định mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bán lẻ, du lịch.
Central sẵn sàng nhập trái cây bán tại các siêu thị ở Thái Lan, sẵn sàng hợp tác để phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Cũng vào trưa nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Kornrasit Pakchotanon, Chủ tịch Công ty Điện lực Thái Lan-EGAT. Hiện EGATi, công ty con của EGAT, đang tiến hành phát triển Dự án Nhà máy nhiệt điện than Quảng Trị 1 tại tỉnh Quảng Trị với công suất 2x660 MW, áp dụng công nghệ trên siêu tới hạn (Ultra-Supercritical USC) theo hình thức Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kornrasit Pakchotanon, Chủ tịch Công ty Điện lực Thái Lan-EGAT. Ảnh: VGP
Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng tổ hợp nhiệt điện ở Quảng Trị đã kéo dài nhiều năm, đây là điều mà hai bên cần sớm khắc phục. Thủ tướng cũng lưu ý Việt Nam rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường và buộc các dự án phải đóng cửa nếu sử dụng công nghệ lạc hậu. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có trách nhiệm cùng với phía cơ quan chức năng Thái Lan xử lý các vướng mắc của dự án và mong EGAT thúc đẩy triển khai dự án.
Chủ tịch Công ty Điện lực Thái Lan mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để phía Thái Lan thúc đẩy dự án, đồng thời cam kết bảo đảm vấn đề môi trường, không để xảy ra vấn đề môi trường. Ông cũng cam kết sử dụng công nghệ hiện đại cho dự án.