Thủ tướng và các đại biểu đến dự Hội nghị. Ảnh: VGP |
Với chủ đề “"Đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác", Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành; các trường đại học, bệnh viện; các tổ chức khoa học, nhà nghiên cứu và phát triển dược liệu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận về thực trạng, tiềm năng, định hướng và chính sách phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác; tình hình quản lý bảo vệ bền vững tài nguyên rừng kết hợp phát triển dược liệu dưới tán rừng, tiềm năng phát triển dược liệu Việt Nam; tính chất, chất lượng đặc thù của sâm củ và điều kiện tự nhiên vùng trồng sâm Ngọc Linh...
Đây cũng là dịp để tỉnh Kon Tum quảng bá đến bạn bè trong và ngoài nước một số loại dược liệu của địa phương, đặc biệt là sâm Ngọc Linh
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tỉnh Kon Tum có trên 850 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, trong đó có 30 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc được trồng.
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh được biết đến là cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh chỉ có ở Kon Tum và Quảng Nam, có nhiều công dụng và tính năng vượt trội mà các loại sâm khác không có. Hiện Kon Tum đã phát triển vùng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh lên gần 17.000 ha thuộc 9 xã của huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Ảnh: VGP
Theo lãnh đạo tỉnh Kon Tum, các sự kiện trên nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành dược liệu theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam được tổ chức tại Lào Cai năm 2017.