Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Ảnh: TTXVN |
Loại trừ nợ của DNNN
Nợ công quy định tại Luật này bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Làm rõ về việc không quy định nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.
Trước đó, rất nhiều ý kiến lo ngại việc không đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công có thể khiến không có cái nhìn đầy đủ về nợ công. Khi DNNN thua lỗ, không trả được nợ thì Nhà nước cuối cùng vẫn phải trả nợ thay. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, dù không tính nợ của DNNN vào nợ công nhưng vẫn phải có giám sát chặt chẽ hoạt động vay nợ, nhất là vay nợ nước ngoài, của DNNN.
Nhiều điều kiện để doanh nghiệp được vay lại vốn nước ngoài
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) quy định các đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bao gồm: UBND cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, muốn vay lại vốn vay nước ngoải của Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ nhiều điều kiện. Trong đó, phải có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần theo báo cáo tài chính của năm gần nhất so với năm thực hiện thẩm định; không bị lỗ trong 3 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại;…
Tổ chức tín dụng được lựa chọn lựa chọn làm cơ quan cho vay lại cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện, như phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là điều kiện rất chặt chẽ, khách quan do các tổ chức này hoạt động độc lập, có uy tín trên phạm vi toàn cầu, xếp hạng theo phương pháp, quy trình đánh giá rất khắt khe cả về quản trị hoạt động và quản trị rủi ro.