Thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, mở đường cho nâng hạng thị trường

Chiều nay 26-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Chứng khoán (sửa đổi) với chức năng và nhiệm vụ của hai sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Hà Nội và TPHCM được quy định lại cụ thể và rõ ràng hơn, mở đường cho việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Theo đó, các giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được thực hiện tại SGDCK Hà Nội còn các giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại SGDCK TPHCM, trên cơ sở đó sẽ tiến tới thống nhất một hệ thống chỉ số giao dịch.

Tuy nhiên việc sáp nhập hai sở thành một mối tại thời điểm hiện tại chưa được tiến hành, do điều kiện chưa cho phép và hai sở cần được vận hành đơn lẻ để nâng cao năng lực của mỗi đơn vị. Khi điều kiện cho phép, Thủ tướng Chính phủ sẽ có thẩm quyền quyết định việc sáp nhập hai SGDCK thành một.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 135 điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm 2021. Trong đó, Luật quy định trong điều kiện thị trường đang phát triển và đang sắp xếp, củng cố tổ chức, bộ máy như hiện nay thì Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước là cần thiết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chính phủ đã có định hướng xây dựng phương án cổ phần hóa SGDCK Việt Nam để triển khai thực hiện sau năm 2023, khi đã đủ điều kiện thì không nhất thiết Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn của SGDCKViệt Nam.

Theo ý kiến của một số chuyên gia và công ty chứng khoán, quyết định không sáp nhập hai sở tại thời điểm hiện tại cho thấy chính phủ vẫn còn thận trọng.

Tuy nhiên, luật chứng khoán mới đã cập nhật được các thay đổi và diễn biến của thị trường chứng khoán quốc tế cũng như linh hoạt hơn để đáp ứng được sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo bà Andrea Corconan, nhà sáng lập công ty Align International LLC và cũng là chuyên gia pháp lý cho dự án LuxDev nhằm nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam, khuôn khổ pháp lý mới này sẽ cho phép các cơ quan chức năng như UBCKNN có quyền kiểm soát phù hợp để giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển trong khi có thể bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư tốt hơn và phòng ngừa các nguy cơ đổ vỡ của thị trường.

Cùng tham gia trực tiếp vào quá trình hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh thị trường chứng khoán qua dự án của chính phủ Luxembourg, ông Robert Strahota, chuyên gia tư vấn pháp lý cho dự án LuxDev, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ khi luật chứng khoán đầu tiên ra đời vào năm 2006, với sự ra đời của nhiều sản phẩm tài chính như phái sinh và các bộ chỉ số chứng khoán có mức độ tinh vi và phức tạp hơn. Luật chứng khoán sửa đổi sẽ giúp thị trường chứng khoán và các thành viên của thị trường tự tin hơn khi tham gia vào giao dịch các sản phẩm như vậy.

“UBCKNN Việt Nam là thành viên của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSOC) cùng hơn 100 ủy ban chứng khoán các nước khác. Là một thành viên, UBCKNN có nghĩa vụ nỗ lực hết sức để áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp hơn với các khuyến nghị thực hành tốt nhất do IOSOC đưa ra”, ông Robert nêu quan điểm.

“Có một số quy định trong luật sẽ giải quyết các vấn đề như hợp tác quốc tế và trong nước và thực thi chứng khoán cùng các vấn đề tuân thủ. Có một số thay đổi trong luật mới về trung tâm lưu ký chứng khoán để thực hiện hoạt động lưu ký và thanh toán chứng khoán tại Việt Nam mà tôi nghĩ là một sự phát triển rất tích cực để xây dựng niềm tin cho thị trường.”

Một bộ luật chứng khoán mạnh hơn như Luật Chứng khoán (sửa đổi) như vậy sẽ giúp làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư và giúp thị trường chứng khoán của Việt Nam nâng hạng trong tương lai gần.

Chuyên đề