Ảnh minh họa |
Văn phòng Chính phủ cho biết, thông tin báo cáo là yêu cầu đặt ra đối với mọi hoạt động liên quan đến quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, là cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao, là biểu hiện của việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời là căn cứ để các cấp có thẩm quyền thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra các quyết định hành chính. Do tầm quan trọng của công tác thông tin báo cáo, yêu cầu báo cáo được đặt ra tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế triển khai chế độ thông tin báo cáo cho thấy còn nhiều bất cập, thiếu nhiều quy định cơ bản, có tính chất xương sống. Cụ thể: Chưa có một quy định thống nhất ở tầm Chính phủ điều chỉnh các nội dung cơ bản chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước; chưa đưa ra các quy định mang tính chất định hướng, hướng dẫn, làm tiêu chuẩn để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó quy định về chế độ báo cáo để đảm bảo thực hiện một cách thuận lợi, hiệu quả. Quy định chế độ báo cáo của từng bộ, ngành, địa phương chưa đặt trong tổng thể thống nhất để tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức thực hiện báo cáo.
Bên cạnh đó, nội dung của nhiều chế độ báo cáo theo quy định hiện chưa rõ ràng, cụ thể; còn có sự trùng lắp về nội dung báo cáo giữa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của một bộ, ngành hoặc nhiều bộ, ngành. Thời điểm chốt số liệu báo cáo đa số không được quy định hoặc quy định không phù hợp, không thống nhất, dẫn đến sự tùy nghi trong việc chốt số liệu; còn quy định nhiều thời điểm chốt số liệu về cùng một lĩnh vực hoặc các lĩnh vực khác nhau. Theo phản ánh của các bộ, ngành, địa phương về các báo cáo phải thực hiện trong năm 2015, số lượng thời điểm chốt số liệu báo cáo mà từng bộ, ngành, địa phương thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan là rất lớn: 50 (Bộ Công Thương); 45 (Ủy ban Dân tộc); 35 (Bộ Khoa học và Công nghệ); 148 (Tiền Giang); 267 (Quảng Ngãi); 114 (thành phố Hà Nội).... Thời hạn gửi báo cáo không quy định hoặc quy định không phù hợp với thời điểm chốt số liệu, không đủ thời gian cho các cấp hành chính thực hiện việc tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo. Mỗi bộ, ngành, địa phương quy định nhiều thời hạn gửi báo cáo khác nhau trong cùng ngành, lĩnh vực…
Ngoài ra, quy định về hình thức báo cáo chưa quan tâm đúng mức đến việc cho phép báo cáo bằng hình thức điện tử, ứng dụng phần mềm báo cáo điện tử và chữ ký số mà chủ yếu vẫn theo hình thức báo cáo giấy.
Văn phòng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thiết lập căn cứ pháp lý thống nhất để quy định về chế độ báo cáo theo hướng đổi mới, hợp lý và giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo; đảm bảo hoạt động báo cáo theo nguyên tắc, quy trình, kỳ báo cáo và thời hạn chốt số liệu thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác báo cáo, có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả, thống nhất nguồn thông tin báo cáo; phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Tạo cơ sở cho việc hình thành và vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin báo cáo dùng chung trong phạm vi cả nước theo lộ trình, thực hiện báo cáo trực tuyến; có sự tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quy định và triển khai thực hiện chế độ báo cáo.