Thời 4.0 và thú chơi “đệ nhất phong lưu”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với sưu tập tem, sưu tập đồng hồ, sưu tập tranh, thì sưu tập sách, báo vốn là cái thú của các bậc tiền nhân. Khi xưa, cụ Vương Hồng Sển, một nhà văn hóa, học giả nổi tiếng viết cuốn “Thú chơi sách”, trong đó luận bàn về thú chơi rất đỗi công phu này. Nhưng ở thời đại công nghệ số mà nhiều khi cứ nói vui với nhau là thời 4.0 này, cứ tưởng thú chơi ấy khuất chìm giữa những cuộc chơi xe, đồng hồ, đồ cổ hay cây cảnh… Hóa ra không phải vậy…
Cuộc liên tài giữa cha và con - cuốn “Người kép già” của Kim Lân được minh họa bởi tranh của họa sĩ Thành Chương
Cuộc liên tài giữa cha và con - cuốn “Người kép già” của Kim Lân được minh họa bởi tranh của họa sĩ Thành Chương

Nối lại một thú chơi…

Cụ Vương Hồng Sển (1902 - 1996) trong cuốn “Thú chơi sách” của mình, đã quả quyết rằng, “chơi sách là thú chơi phong lưu nhất trong mọi thú chơi”. Theo cụ Vương, đây là thú chơi tao nhã với thư phòng thanh tịnh, trầm hương phảng phất, ngọn đèn tĩnh lặng tỏa sáng.

Vài năm gần đây, thị trường xuất bản xôn xao về những bản sách đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Người ta nhắc nhiều đến S100 (tức là chỉ có 100 cuốn), S365 hay S500. Trong đó, mỗi cuốn là một “độc bản”, bởi được đánh số riêng, có khi lại có chữ ký tươi và triện son của tác giả, dịch giả, họa sĩ minh họa…

“Đánh số” riêng để mỗi cuốn sách là “duy nhất”, cũng là chuyện các cụ đã nghĩ ra từ xưa. Trong sách cụ Vương Hồng Sển cũng đã viết: "Một cuốn sách hữu danh, khi xuất bản thường chia nhiều hạng: ngoài số bản thường in giấy tầm thường, còn đặc biệt in giấy đẹp có chữ ký của tác giả thêm đánh số thứ tự hẳn hoi, sách ấy có khi tác giả chừa để tặng thân bằng tri thức, hoặc dành riêng cho hạng chơi sách kén, đã ký quỹ dặn trước". Và: "Số in đã ít, giá tiền lại cao, một khi sách được công nhận rằng hay thì rất dễ trở nên quý phẩm, các tay mua trễ tha hồ đua nhau giành giựt! Ðó quả là một bảo vật trong văn phòng các tay phong lưu, giấy in tuyệt hảo, chữ rõ rệt đậm đà, người xem không mệt mắt, chủ sở hữu cầm nó trên tay thêm được thú vui mân mê thưởng thức một công trình đến nơi đến chốn của nghề ấn loát, khác nào nghề chơi cổ ngoạn ngồi giỡn một kỳ trân bảo ngọc…".

Thời trước, những cuốn "Vang bóng một thời" của nhà văn Nguyễn Tuân, hay tập thơ “Gửi hương cho gió” của thi sĩ Xuân Diệu cũng có những bản đặc biệt, in trên giấy dó… Trước năm 1975, còn có những cuốn ngoài những bản thường có in thêm những bản đặc biệt trên giấy bạch vân, hay giấy bạch ngọc có triện son và chữ ký của tác giả…

Nhưng bẵng bặt đi, thú chơi sách của người Việt có những gián đoạn nhất định. Và người có ảnh hưởng lớn để khôi phục và định hình một thú chơi sách trong thời 4.0 này là họa sĩ Trần Đại Thắng. Anh sinh năm 1973, nổi tiếng là một họa sĩ thiết kế bìa sách rất ăn khách ở miền Bắc. Ngay từ năm 2014 - 2015, trong tư cách là Giám đốc Công ty sách Đông A, Trần Đại Thắng ra mắt dòng sách S100, và hình thành Câu lạc bộ S100 với nhiều tên tuổi nổi tiếng như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà báo Yên Ba… Những đầu sách S100 hồi đó là “Văn mới 5 năm đầu thế kỷ” (Nhiều tác giả), “Viết về bè bạn” (Bùi Ngọc Tấn), “Hạt bụi người bay ngược” (Hòa Vang), “Sắp đặt và diễn” (Hồ Anh Thái)… Thời ấy, những bản sách đặc biệt có bìa cứng, ruột in trên giấy conqueror (giấy mỹ thuật cao cấp) được ra mắt khiến một số người trầm trồ vì đẹp và họa sĩ Trần Đại Thắng được đánh giá là người nối lại một thú chơi xưa cũ.

Họa sĩ Trần Đại Thắng được đánh giá là người khá duy mỹ, ít khi hài lòng với chính mình. Sau mỗi sản phẩm văn hóa, rất nhanh anh tự cảm thấy “chán”, thấy phải thay đổi, “phải khác đi mới có cảm hứng”. Những suy nghĩ đó khiến ông chủ Đông A phải tìm cho mình một sự “rẽ lối” mới. Vì thế, năm 2019, họa sĩ Trần Đại Thắng tìm đến các hội chợ sách nổi tiếng ở Đức, Pháp, Bỉ… tìm hiểu về công nghệ làm sách bản đặc biệt. Trở về Sài Gòn, anh Thắng lập nhóm làm sách đặc biệt. Ấn bản đặc biệt đầu tiên được Đông A kết hợp với nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh tung ra thị trường là tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov”. Tiếp đó là những cuốn “Bố già”, “Thiên hoàng minh trị”… Những cuốn sách này được mở bán trên mạng xã hội, chỉ trong vòng vài phút đã được đặt mua hết.

Khoảng tháng 1/2020, họa sĩ Trần Đại Thắng mời chuyên gia Dư Thanh Khiêm từ Bỉ về nước tổ chức khóa học dạy đóng sách. Dưới sự hướng dẫn của ông, đội ngũ làm sách bản đặc biệt có sự tiến bộ rất lớn và sau đó, Đông A đã thành lập phòng sách thủ công. Qua nhiều lần thử nghiệm tốn kém, những bản sách bìa da “made in Đông A” đã ra đời, gây bất ngờ cho giới xuất bản Việt Nam lẫn những người yêu sách, sưu tập sách. Đến nay, nhiều sách bản bìa da thật (hoặc da công nghiệp) của Đông A đã ra mắt và đều được mua hết chỉ trong thời gian rất ngắn. Đặc biệt, gần đây S100 “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” có chữ ký trực tiếp và triện son của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được giới sưu tập săn lùng.

Từ cú khởi động và phát ra một “từ trường” tích cực của Đông A, nhiều đơn vị xuất bản cũng đã tham gia vào đường đua làm sách đặc biệt. Bên cạnh những đơn vị như Nhã Nam, Thái Hà, Đinh Tị, Liên Việt… còn có những nhà xuất bản với bề dày kinh nghiệm xuất bản như Kim Đồng, Trẻ, Thế giới… Từ đó mở ra một sân chơi mới của những người yêu thích sách, hình thành thú chơi sách phù hợp với xu thế thời đại. Đồng thời, mở ra cơ hội cho ngành xuất bản vượt qua thời điểm khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Khi sách lên sàn đấu giá

Khi thú chơi sách bản đặc biệt rộ lên, nhiều nhà sưu tập dành tâm sức để săn lùng và “chốt deal” các bản sách đặc biệt vừa ra mắt hoặc mới được thông báo đặt trước. Cũng khi đó, nhiều câu lạc bộ của những nhóm chơi sách đặc biệt được thành lập trên mạng xã hội. Tham gia vào các hội nhóm này, mới thấy rõ thú chơi sách ngày nay đã có nhiều thay đổi. Thay đổi quan trọng nhất đó là các nhà sưu tập sách. Không chỉ những nhà sưu tập trẻ, có xu hướng mua đi bán lại để thu lợi tái đầu tư, mà còn xuất hiện nhiều nhà sưu tập “khổng lồ”. Đó là những người có tiềm lực tài chính và rất am hiểu thú chơi sách.

Nhưng rõ ràng, ở thời mạng xã hội phát triển như hiện nay, thú chơi sách cũng khó có thể “thâm trầm” như đã từng, mà ồn ào hơn là điều dễ hiểu. Như tối 1/7/2021, cuốn sách S100 “Bố già” số 40 đã được đưa lên đấu giá trực tuyến. Chỉ sau 1 giờ, cuốn sách đã được gõ búa với giá 85 triệu đồng. Có người trả giá tới 99 triệu đồng nhưng không được sở hữu vì bỏ giá chậm so với thời gian quy định. Bản sách được đưa lên đấu giá lần này nằm trong dòng sách S100 do Đông A phát hành năm 2019, kỷ niệm 50 năm xuất bản lần đầu tác phẩm “Bố già” của Mario Puzo. Giá bán ra của đơn vị xuất bản chỉ là 1.500.000 đồng. Tương tự, cuốn S100 “Anh em nhà Karamazov” mới đây cũng được đưa lên đấu giá và giá gõ búa là 23 triệu đồng.

Thoạt nhìn, sẽ thấy “khó hiểu” vì số tiền mà những nhà sưu tập sẵn sàng bỏ ra để sở hữu một ấn bản đặc biệt là rất cao so với giá một cuốn sách thông thường. Tuy nhiên, nếu có dịp tiếp xúc hoặc trò chuyện với những nhà sưu tập đương thời mới thấy họ có lý do riêng. Như nhà sưu tập muốn ẩn danh khi “quyết đấu” để giành được cuốn “Bố già” số 40 vừa rồi là bởi anh mới tham gia cuộc chơi sách giới hạn. Trong khi đó, những bản đặc biệt “đời đầu” hiện rất ít giao dịch, nhất là cuốn “Bố già”. Mà đó lại là một trong những cuốn “dân chơi sách không thể không có”. Lẽ ấy, khiến nhà sưu tập này quyết đấu bằng được. Hay như trường hợp TS. Bùi Trân Phượng, “chỉ vì một lòng thương hương tiếc ngọc” mà sẵn sàng bỏ ra 35 triệu đồng để được mua quyển “Thú chơi sách” của tác giả Vương Hồng Sển.

Không chỉ cầu kỳ trong việc sưu tập sách, những người chơi sách hiện nay, trong điều kiện có thể thu xếp được tài chính, còn có xu hướng sở hữu thêm ít nhất một bản tranh minh họa có in trong sách cho “đủ bộ”. Bởi vậy, họ sẵn sàng bỏ ra tới cả trăm triệu đồng để sở hữu một bức tranh minh họa. Dẫn chứng gần đây nhất là trường hợp 19 bức tranh bằng bột mầu trên giấy bìa của họa sĩ Thành Chương trong cuốn “Người kép già” (Kim Lân). Sau khi bản sách S101 và S365 được ra mắt, cuối tháng 5 vừa qua, đơn vị xuất bản sách đồng thời giữ bản quyền bộ tranh này đã đưa lên sàn đấu giá và số tiền đấu giá 19 bức tranh lên tới hơn 600 triệu đồng. Trong đó, bức tranh minh họa làm bìa cuốn sách “Người kép già” được một nhà sưu tập mua với giá 120 triệu đồng.

Cuộc liên tài thú vị

Để tạo thêm điểm nhấn đặc biệt cho tác phẩm văn học, phải nhắc tới sự tham gia của các họa sĩ giá vẽ nổi tiếng đương thời. Họ đã làm tăng sức hấp dẫn, sự mới lạ cho thú chơi sách ở thời 4.0 này.

Thực sự mà nói, việc mời các họa sĩ giá vẽ nổi tiếng minh họa cho các tác phẩm văn học không phải đến bây giờ mới được thực hiện. Ngược dòng thời gian, người đọc đã từng quen thuộc với nhiều cái tên họa sĩ vẽ minh họa cho các cuốn sách xuất bản những năm 50 - 60 của thế kỷ trước như Văn Đa, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Văn Cao… Song, ở thời điểm đó, những minh họa thường dừng lại ở dạng đen trắng, như thể góp phần “tô điểm” cho cuốn sách. Ngày nay, khi công nghệ làm sách có nhiều thay đổi, thì việc sách có minh họa cũng trở nên phổ biến hơn. Các bản sách minh họa màu cũng được in và bán tràn ngập trên thị trường. Tuy vậy, việc mời các họa sĩ đương đại nổi tiếng, những tên tuổi như Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Hoàng Phượng Vỹ, Đào Hải Phong… lại mang tới cho người đọc và dân chơi sách sự thích thú đáng kể.

Họa sĩ Đào Hải Phong vừa tạo ra một “bất ngờ thú vị” khi vẽ minh họa cho tác phẩm “Gió đầu mùa” và “Hà Nội băm sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam. Lâu nay, dấu ấn hội họa của Đào Hải Phong để lại khá đậm nét ở những bức tranh sơn dầu khổ lớn, vẽ phong cảnh làng quê. Khi được mời vẽ minh họa cho hai tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam, Đào Hải Phong đã coi đây như một cơ duyên. Họa sĩ nói rằng, khi đọc những trang văn của Thạch Lam, ông cảm nhận được sự xúc động khi ngòi bút này viết về buổi hoàng hôn và ban đêm. Và ông đã vẽ gần 20 minh họa, mà khi nhìn ngắm nó, ta vừa thấy những bức tranh độc lập mang dấu ấn Đào Hải Phong, vừa trùng khít với không khí và tinh thần văn chương của Thạch Lam cách đây hơn nửa thế kỷ.

Trước Đào Hải Phong, các họa sĩ Thành Chương, Hoàng Phượng Vỹ, Thành Phong, Duy Hưng cũng đã được mời để “đánh thức” những danh tác văn chương Việt. Nếu Thành Chương vẽ minh họa cho tuyển truyện ngắn “Người kép già” của nhà văn Kim Lân thì họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ minh họa cho tập “Bỉ vỏ” nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng. Còn hai họa sĩ trẻ Thành Phong và Duy Hưng được mời vẽ tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng và tập tùy bút “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng.

Nhà xuất bản Kim Đồng hồi tháng 4/2022, ra mắt bộ đôi tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" - tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ và "Nam Hải dị nhân liệt truyện" của Phan Kế Bính. Hai tác phẩm nổi bật trong kho tàng văn học trung đại và cận đại Việt Nam bỗng trở nên sống động hơn với độc giả ngày nay bởi gần 400 tranh minh họa tỉ mỉ và kỳ công của hai họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long. Trước đó, cuốn “Lĩnh Nam chích quái” cũng được họa sĩ Tạ Huy Long dành hơn 1 năm vẽ 200 minh họa sống động, khiến tác phẩm này lập tức được độc giả trẻ đón nhận. Nhà xuất bản Trẻ cũng không đứng ngoài cuộc. Mới đây, cuốn “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt ấn bản đặc biệt với minh họa của họa sĩ Minh Hải; “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” và “Tôi là Bê tô” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có ấn bản đặc biệt với tranh minh họa màu của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường…

Bàn về xu hướng hội họa đồng hành cùng văn chương, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ cho rằng, đây là một cách hiện đại hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng thú chơi sách của nhiều người. Trong cộng đồng yêu sách, luôn có một bộ phận độc giả vừa thích sách hay vừa mê sách đẹp. Vì thế, việc kết nối và liên tài với các họa sĩ đương đại để vẽ minh họa cho những tác phẩm kinh điển, có nội dung hay, hấp dẫn, có giá trị lâu dài là cần thiết.

Sách để đọc hay chỉ để… ngắm?

Đối với giới chơi sách thời nay, đây là một câu hỏi… ngộ nghĩnh. Bởi họ đã xác lập con đường riêng, một thú chơi riêng. Cũng như các đơn vị xuất bản, trước khi phát hành những bản sách đặc biệt thì họ đã ra những bản phổ thông với số lượng từ một tới dăm ngàn để phục vụ đông đảo bạn đọc, tiêu thụ qua hệ thống phát hành truyền thống cũng như sàn thương mại điện tử. Đó là với những người coi việc tốn kém vào mua sách đẹp là xa xỉ, vì nội dung sách mới là quan trọng. Nhưng với những người có điều kiện, có sở thích, việc bỏ ra vài triệu, thậm chí trăm triệu để có một cuốn sách “độc, đẹp, lạ” không phải là điều đáng băn khoăn.

Khi có nhà báo hỏi rằng, ông có cảm thấy lo lắng không khi bây giờ người ta mua sách để trưng, để tặng, để khoe lên mạng nhiều hơn để đọc, chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng nêu quan điểm: “Nếu đúng vậy thì tôi thấy mừng hơn lo. Tặng bạn bè một cuốn sách vẫn có ý nghĩa hơn là tặng một món quà thiên về vật chất. Cũng như trưng một tủ sách trong nhà vẫn tốt hơn là trưng một tủ rượu”. Ông cũng nói thêm rằng, “tới chơi nhà ai mà thấy trong nhà họ có một tủ sách là tôi thấy có cảm tình, thậm chí ngưỡng mộ. Mua sách để trưng, để tặng hay để khoe trên mạng, dù với bất cứ lý do gì cũng là cách quảng bá tuyệt vời cho sách, nhất là trong tình trạng chúng ta vẫn kêu ca là việc đọc đang xuống cấp, đang thui chột. Chưa kể, sống giữa những cuốn sách là sống trong một bầu khí quyển lành mạnh”.

Chuyên đề