Thiếu cơ sở pháp lý, giao dịch điện tử ngân hàng “nửa vời”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, việc cấp tín dụng và các nghiệp vụ khác của hoạt động ngân hàng chưa thể triển khai từ đầu đến cuối bằng phương thức điện tử. Vì vậy, các tổ chức tín dụng kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lý để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử lĩnh vực ngân hàng phát triển trong thời gian tới.
Với quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng rất lúng túng trong việc cấp tín dụng điện tử. Ảnh: Tiên Giang
Với quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng rất lúng túng trong việc cấp tín dụng điện tử. Ảnh: Tiên Giang

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng điện tử được quy định tương đối đầy đủ và tổng thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi vẫn phát sinh nhiều trở ngại.

Một trong các vướng mắc là quy định định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) chỉ áp dụng trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán, chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng (TCTD).

Do đó, VNBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xây dựng thông tư về việc định danh khách hàng khi ngân hàng thiết lập quan hệ và cung cấp tất cả các dịch vụ tới khách hàng.

Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN nêu một số mục tiêu cơ bản đến năm 2025: Ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; ít nhất 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động; ít nhất 70% hồ sơ công việc tại TCTD được xử lý và lưu trữ trên môi trường số…

Hiện nay, nhu cầu cung cấp dịch vụ tín dụng trên kênh số đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có mục đích tiêu dùng là rất lớn, giúp khách hàng tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về việc TCTD được thẩm định và phê duyệt tín dụng tự động trên cơ sở ứng dụng kết quả chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng, các tiêu chuẩn thẩm định và phê duyệt được xây dựng và cài đặt để hệ thống có khả năng tự động kiểm tra, phê duyệt mà không cần có sự tham gia của cá nhân người thẩm định, người phê duyệt.

VNBA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 39, Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về cấp tín dụng bằng phương thức điện tử. Trong đó, cho phép TCTD được sử dụng hệ thống công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn để hệ thống thẩm định, phê duyệt, giám sát sau đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có giá trị nhỏ. Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn có thể do khách hàng kê khai trên phương tiện điện tử, không yêu cầu các TCTD thu thập chứng từ chứng minh khác.

Ngoài ra, VNBA kiến nghị không áp dụng quy định “quyết định cho vay phải có chữ ký của người có thẩm quyền” đối với các khoản vay được thẩm định, phê duyệt tự động bằng công cụ điện tử. Việc phân định trách nhiệm giữa các khâu được xác định bởi cá nhân, bộ phận thực hiện xây dựng, phê duyệt tiêu chuẩn và người quản trị hệ thống công nghệ thông tin.

Bà Tôn Thị Hải Yến, Trưởng ban Pháp chế thuộc Công ty CP Tài chính Điện lực (EVNFinance) cho biết, những bất cập trên đang hạn chế các công ty tài chính đưa sản phẩm tài chính tiêu dùng đến với người dùng, đặc biệt ở nông thôn và các vùng sâu, vùng xa.

“Các sản phẩm tài chính tiêu dùng là những món vay nhỏ nên thời gian thực hiện cần nhanh, gọn. Công ty tài chính đã áp dụng nhiều bước trong triển khai sản phẩm này song đến bước ký hợp đồng vẫn phải có người đến ký hợp đồng trực tiếp, làm tăng chi phí thực hiện và giảm hiệu quả phổ cập tài chính tiêu dùng”, bà Yến nói.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Pháp chế Ngân hàng BIDV cho rằng, với quy định hiện hành, các TCTD rất lúng túng trong việc cấp tín dụng điện tử. “Không làm thì giảm cơ hội phát triển và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Trong khi đó, việc mạnh dạn làm có thể đối diện với rủi ro pháp lý chưa hoàn thiện, hay nói cách khác, nếu có tranh chấp và kiện tụng, ngân hàng thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp. Do đó, cần sửa đổi và bổ sung các quy định hiện hành để trước mắt có quy định cho phép cấp tín dụng điện tử và thực hiện giám sát sau với các khoản vay tiêu chuẩn có giá trị nhỏ và được bảo đảm bằng sổ tiết kiệm, các giấy tờ có giá do TCTD phát hành”, bà Phương nói.

Chuyên đề