Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Điều kiện cần để thu hút tài chính quốc tế
Theo bà Lynn Tho, Chuyên gia quốc tế về PPP thuộc Công ty EY Singapore, các dự án hạ tầng khi sử dụng nguồn tài chính trong nước và quốc tế đều có những ưu, nhược điểm. Nếu sử dụng nguồn tài chính trong nước thì ưu điểm là đồng tiền trả nợ cũng là đồng tiền từ thu phí là VND, không yêu cầu hỗ trợ từ Chính phủ liên quan tới dự trữ ngoại tệ, khả năng chuyển đổi ngoại tệ. Tuy nhiên lại hạn chế cạnh tranh trong các nhà đầu tư, vì một số nhà đầu tư có mối quan hệ tốt với các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ đề xuất của họ. Các dự án lớn cũng có thể có nhu cầu vay vượt quá khả năng của thị trường trong nước.
Còn sử dụng nguồn tài chính quốc tế, theo bà Lynn Tho, có thể tiếp cận thị trường cho vay sâu, rộng hơn, có năng lực cho vay các dự án lớn. Chi phí tài chính thấp hơn do lãi vay USD thấp hơn, tăng tính cạnh tranh, đem lại hiệu quả đầu tư cao hơn... Tuy nhiên, với nguồn tài chính quốc tế, đồng tiền trả nợ là ngoại tệ, không phải VND thu từ phí cung cấp dịch vụ, do đó cần hỗ trợ từ Chính phủ về khả năng chuyển đổi ngoại tệ. Ngoài ra, có khả năng cần hỗ trợ của Chính phủ theo hợp đồng đối với các nghĩa vụ của cơ quan nhà nước ký hợp đồng.
Thực tế, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã kỳ vọng thu hút tài chính quốc tế vào các dự án PPP hạ tầng giao thông. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã từng quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư ở tầm quốc tế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số dự án PPP giao thông lớn. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, các tổ chức quốc tế và một số nhà đầu tư quan tâm đều đề cập việc thiếu hụt công cụ bảo đảm, bảo lãnh trong chính sách hiện nay chính là rào cản lớn cho quyết định đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Chia sẻ góc nhìn từ nhà đầu tư nước ngoài, ông Tetsu Funayama - Trưởng ban Diễn đàn doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến dự án PPP tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực điện, đường cao tốc, sân bay. Dù vậy, khung pháp lý hiện nay chưa đủ để các nhà đầu tư nước ngoài tích cực đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Có 4 điểm mà doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị cần đưa vào Luật PPP như là điều kiện cần để đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có việc thiết lập bảo lãnh chính phủ đối với chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu tối thiểu.
Hỗ trợ hợp lý từ Chính phủ là rất quan trọng
Bà Lynn Tho cho biết, nhiều quốc gia đã thiết lập các cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro như là công cụ để khởi động môi trường đầu tư vào các dự án PPP. Ấn Độ đã thành lập Quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính (VGF) để cung cấp hỗ trợ tài chính ở giai đoạn xây dựng và ban hành các hướng dẫn rõ ràng về điều kiện và cơ chế giải ngân cho các dự án PPP. Indonesia thành lập Quỹ bảo lãnh kết cấu hạ tầng (IIGF) nhằm đảm bảo các nghĩa vụ tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính phát sinh từ vi phạm hợp đồng, sự chậm trễ trong xin giấy phép và cấp phép, thay đổi pháp luật. Hàn Quốc đảm bảo doanh thu tối thiểu ở thời kỳ đầu, giúp số dự án PPP tăng trưởng nhanh chóng. Sau đó, cơ chế đảm bảo doanh thu tối thiểu bị bãi bỏ, thay thế bằng mô hình chia sẻ rủi ro doanh thu. Hàn Quốc có trợ cấp xây dựng theo cách thức hỗ trợ tài chính từ 30 - 50% tổng chi phí dự án ở giai đoạn xây dựng.
Tại Hội thảo trao đổi về Dự thảo Luật PPP do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc có nhiều cách thức, chính sách để giảm chi phí, rủi ro cho dự án, nhưng nếu không có bảo lãnh doanh thu tối thiểu trong thời gian đầu thì Hàn Quốc không thu hút được tư nhân đầu tư PPP.
Từ kinh nghiệm thành công của nhiều nước, ông Sanjay Grover - Chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro, các bảo đảm cần thiết của Chính phủ về PPP là rất quan trọng cho Việt Nam để thu hút vốn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, cơ chế chia sẻ rủi ro cần được hỗ trợ bởi quá trình sàng lọc, thẩm định dự án và khung xác định, quản lý nợ dự phòng thật tốt. Cơ chế này chỉ áp dụng cho các dự án khả thi, quy trình thẩm định dự án tốt, chỉ sử dụng khi cần thiết hoặc có hiệu quả chi phí, đảm bảo hỗ trợ của Chính phủ là hợp lý và có tính bền vững.