Đô la Mỹ là đồng tiền chiếm tỷ trọng áp đảo trong rổ tiền tệ, đồng thời cũng là đồng tiền dự trữ ngoại hối chủ yếu của Việt Nam. Ảnh: THÀNH HOA |
Sự lựa chọn dứt khoát và rõ ràng
Trong rổ tiền tệ làm căn cứ xác định tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hàng ngày có tám ngoại tệ, nhưng không hiểu vì sao hiện trong bảng tỷ giá tham khảo hàng ngày của Sở Giao dịch NHNN thường xuyên chỉ có bảy ngoại tệ bao gồm đô la Mỹ, euro, bảng Anh, yen Nhật, franc Thụy Sỹ, đô la Úc và đô la Canada. Mấy tháng trước bảng tỷ giá này có năm ngoại tệ, không có đô la Úc và đô la Canada. Ngoại tệ thứ 8 trong rổ này, theo một quan chức cấp cao NHNN, là đồng nhân dân tệ.
Đô la Mỹ là đồng tiền chiếm tỷ trọng áp đảo trong rổ tiền tệ, đồng thời cũng là đồng tiền dự trữ ngoại hối chủ yếu của Việt Nam. Điều này không cần phải bàn. Với những đồng tiền khác, thí dụ ngày 26-10-2018 Sở Giao dịch NHNN công bố giá bán 26.601 đồng/euro; 208 đồng/yen Nhật; 30.001 đồng/bảng Anh... So với giá bán ngày 2-1-2018 tương ứng là 27.757 đồng/euro; 204,91 đồng/yen Nhật; 31.219 đồng/bảng Anh... đồng Việt Nam có lên/xuống so với các ngoại tệ. Sự biến động của tiền đồng phù hợp với biến động của những ngoại tệ trên so với đô la Mỹ trên thị trường tài chính thế giới. Đây cũng không phải chuyện mới lạ gì.
Đồng nhân dân tệ chỉ xuất hiện trong bảng tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ để xác định giá trị tính thuế (chủ yếu thuế xuất nhập khẩu). Theo NHNN, từ ngày 25 đến 31-10-2018, tỷ giá tiền đồng/nhân dân tệ được tính ở mức 3.273,87 đồng đổi một nhân dân tệ.
Trong khoảng thời gian từ ngày 28-12-2017 đến ngày 3-1-2018 tỷ giá tiền đồng/nhân dân tệ được áp dụng mức 3.419,46 đồng/nhân dân tệ. Tính ra 10 tháng đầu năm nay, đồng Việt Nam lên giá 4,26% so với nhân dân tệ.
Trong cùng 10 tháng đó, tỷ giá trung tâm chỉ tăng từ 22.415 lên 22.723 đồng/đô la Mỹ (tỷ giá trung tâm ngày 27-10-2018), tức đô la Mỹ tăng giá 1,37% so với đồng Việt Nam. Tỷ giá niêm yết chuyển khoản bán ra đô la Mỹ của các ngân hàng tăng nhiều hơn, từ 22.720 lên 23.390 đồng/đô la Mỹ, tương đương 2,95%.
Tiền đồng lên giá so với nhân dân tệ trong khi đồng nhân dân tệ giảm giá kỷ lục so với đô la Mỹ còn tiền đồng giảm giá ở mức hợp lý so với đô la Mỹ theo xu hướng chung của diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/các ngoại tệ khác. Đây là sự lựa chọn rõ ràng của Việt Nam bởi Mỹ đang là đối tác thương mại quan trọng nhất nhì của chúng ta. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến cuối tháng 9-2018, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 20 tỉ đô la Mỹ. Với diễn biến của tỷ giá hối đoái, Việt Nam đang thể hiện trên thực tế thặng dư thương mại với Mỹ gần như không có yếu tố hỗ trợ của tỷ giá.
Mềm dẻo thắt chặt tiền tệ
Theo dữ liệu mới nhất của NHNN, số tuyệt đối tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 8-2018 đạt 8.888.384 tỉ đồng, tăng 8,49% so với đầu năm và tăng 45.832 tỉ đồng so với tháng liền kề, trong đó tiền gửi của tổ chức kinh tế là 3.156.023 tỉ đồng, tăng 17.340 tỉ đồng so với tháng 7-2018, tiền gửi của dân cư 4.297.182 tỉ đồng, tăng 23.312 tỉ đồng so với tháng trước đó.
Như vậy, nếu trừ đi mức tăng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư, lượng tiền NHNN đưa ra trong tháng 8 có 5.180 tỉ đồng. Đây là mức tăng trưởng rất thấp của tổng phương tiện thanh toán trong một tháng nếu nhìn lại quá khứ nhiều năm qua.
Chưa hết. Vào cuối tháng 6-2018 (tháng đầu tiên của năm nay tỷ giá hối đoái chịu áp lực mạnh của diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế - NV), NHNN ghi nhận tổng phương tiện thanh toán đã đạt 8.879.582 tỉ đồng, trong đó tiền gửi của doanh nghiệp là 3.151.237 tỉ đồng, của dân cư 4.281.238 tỉ đồng. Ba số liệu này đến cuối tháng 7-2018 lần lượt là 8.842.552 tỉ đồng; 3.138.683 tỉ đồng và 4.273.870 tỉ đồng. Ba số liệu của tháng 7 đều giảm mạnh so với tháng 6-2018 và tổng phương tiện thanh toán đã giảm 17.108 tỉ đồng so với tháng trước liền kề sau khi trừ đi mức giảm tiền gửi của doanh nghiệp và dân cư.
Đây cũng là lần đầu tiên tổng phương tiện thanh toán của một tháng không những không tăng mà còn giảm và giảm mạnh. Đặc biệt việc giảm tổng phương tiện thanh toán cần đặt trong bối cảnh trong tháng này NHNN bán ra hơn 2 tỉ đô la Mỹ để can thiệp ổn định tỷ giá, tức là cùng lúc hút về một lượng tiền đồng rất lớn.
Tiền được rút bớt khỏi lưu thông, thanh khoản được điều chỉnh và cơ quan quản lý kiên quyết không nâng hạn mức tín dụng cho bất cứ ngân hàng nào. Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán năm nay nhiều khả năng sẽ không tận dụng hết chỉ tiêu đề ra. Mặt bằng lãi suất cao dần là chuyện tất yếu phải đến. Sau khi vọt lên gần 5%/năm, lãi suất tiền đồng qua đêm liên ngân hàng tụt xuống dưới 3%/năm và ở thời điểm cuối tháng 10 này nó đang trụ vững quanh 4,44-4,5%/năm. Những tiền đề để đảm bảo kiểm soát lạm phát năm tới đang được xây dần.
Trong việc điều hành tiền tệ, có thể thấy lãi suất tiền đồng cứ cao cao một vài tuần, rồi tụt xuống, rồi lại nhấp nhổm quay lên. Kiểu điều hành này làm cho đầu cơ ngoại tệ khó kiếm lời, mà không cẩn thận có thể lâm vào lỗ lã! Còn về tổng thể, con đường đi lên của lãi suất để tỷ giá theo định hướng và đạt được mục tiêu như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tuyên bố tại Quốc hội, đã được nhìn thấy trước không chỉ năm nay mà cả năm sau.