Thị trường bất động sản năm 2023: Kỳ vọng niềm tin sẽ phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các chuyên gia kỳ vọng, năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ khởi sắc hơn khi các bất cập, chồng chéo, cản trở việc triển khai các dự án BĐS và dòng tiền trên thị trường này đã được nhận diện để xử lý.
Biến động của thị trường bất động sản năm 2023 phụ thuộc rất lớn vào kết quả hành động của các tổ công tác, hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ. Ảnh: Nhã Chi
Biến động của thị trường bất động sản năm 2023 phụ thuộc rất lớn vào kết quả hành động của các tổ công tác, hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ. Ảnh: Nhã Chi

Tại Diễn đàn Dự báo thị trường BĐS 2023 được tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN) cho rằng, phần lớn các khó khăn nội tại của thị trường BĐS đã được nhận diện, trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn tiền, lực cầu giảm...

Ngay khi xuất hiện vấn đề, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt và kịp thời. Đặc biệt, Thủ tướng đã ban hành 4 công điện liên quan đến các vấn đề nóng như tín dụng, trái phiếu DN, BĐS và lao động. Đồng thời, Thủ tướng đã quyết định thành lập 3 tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng, xử lý khó khăn của thị trường BĐS và các vấn đề liên quan đến trái phiếu DN… Mới đây, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 thêm 1,5 - 2%, giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn. Những động thái này được các chuyên gia và cộng đồng DN đánh giá là quyết liệt và kịp thời.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tâm lý của DN và thị trường dần được hồi phục, vững tâm hơn. “Những động thái của Thủ tướng, của các bộ, ngành chắc chắn sẽ giúp thị trường khởi sắc trở lại, không bùng nổ như trước mà sẽ ổn định và phát triển bền vững hơn”, ông Đính nhận định.

Dự báo về triển vọng phục hồi của thị trường BĐS trong năm 2023, đa số ý kiến tại Diễn đàn đều bày tỏ lạc quan, tin tưởng. Dù năm 2023 kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng các tổ chức quốc tế vẫn cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn so với thế giới.

Theo ông Trần Kim Chung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2023, Việt Nam có rất nhiều động lực để thị trường BĐS phát triển tốt hơn. Trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài có triển vọng gia tăng chính là cơ hội tốt để phát triển thị trường BĐS công nghiệp. Du lịch hồi phục sẽ kéo nhu cầu thị trường đi lên. Thị trường tín dụng, chứng khoán đang tăng trở lại sẽ gia tăng lượng tiền vào thị trường. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu cũng sẽ ít khó khăn hơn khi chính sách được sửa đổi theo hướng thuận lợi…

Ông Nguyễn Văn Đính dự báo, trong quý I/2023, thị trường BĐS sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng do trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 và quá trình chuẩn bị, triển khai thủ tục pháp lý của các dự án cần có thêm thời gian. Nhưng bước sang quý II - III/2023, thị trường sẽ dần hồi phục, phát triển lành mạnh, minh bạch và chuẩn mực hơn.

Từ góc độ thể chế, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo kế hoạch, 3 đạo luật quan trọng liên quan đến thị trường BĐS dự kiến được thông qua vào cuối năm nay là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ là khung pháp luật hỗ trợ cho thị trường phát triển. Nghị định 65/2022/NĐ-CP liên quan đến kênh dẫn vốn trái phiếu DN cũng đang được sửa đổi, bổ sung…

Biến động của thị trường BĐS năm 2023 phụ thuộc rất lớn vào kết quả hành động của các tổ công tác, hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Nếu hành động nhanh và không có đột biến (lượng kiều hối, dòng tiền tư nhân…) thì 3 tháng nữa, hoặc phải mất 6 tháng mới có chuyển biến mạnh.

Theo ông Hiếu, nếu có thể giải quyết trong tầm nghị định hoặc cần ban hành một luật sửa nhiều luật, Chính phủ có thể đề xuất thực hiện ngay trong kỳ họp Quốc hội bất thường cuối năm. Đặc biệt, đối với những dự án dang dở, còn vướng mắc thủ tục pháp lý, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ; hay nới lỏng các điều kiện chuyển nhượng trong hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), tái cấu trúc DN BĐS hoạt động kém hiệu quả; hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động phá sản nhằm tạo điều kiện cơ cấu lại DN, tránh ách tắc nguồn lực.

DN cũng phải chủ động có biện pháp tự cứu mình, cầm cự, vượt qua khó khăn. Để tránh sự lệ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng, ông Chung nhấn mạnh, cần phát triển các dòng vốn phái sinh như quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm tương hỗ… Các dòng vốn được mở rộng sẽ tạo cơ hội cho DN.

Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân DN cũng phải cấu trúc lại phân khúc thị trường, cơ cấu sản phẩm và chiến lược giá hợp lý, thời hạn và phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng. “Nếu thúc đẩy được các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, lượng giao dịch tăng sẽ kích hoạt trở lại các dự án BĐS, kéo theo tái khởi động những ngành sản xuất, cung ứng hàng hóa”, ông Đính nhận định.

Chuyên đề