Ông Mai Lương Khôi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. |
Theo Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng (từ tháng 10/2016 - 3/2017), tổng số thụ lý là 578.741 việc, trong đó tổng số phải thi hành là 578.515 việc. Số có điều kiện thi hành là 435.752 việc, chiếm 75,32%. Số thi hành xong là 225.116 việc; đạt tỉ lệ 51,66% (tăng 3,24% so với cùng kỳ năm 2016).
Về tiền, tổng số thụ lý là hơn 140.110 tỷ đồng, tăng 24.600 tỷ đồng (21,30%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng số phải thi hành là 136.226 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là 92.681 tỷ đồng, số thi hành xong là 16.908 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 18,24% (tăng 8,18% so với cùng kỳ ).
Tuy nhiên, kết quả thi hành án dân sự còn bộc lộ một số hạn chế như số việc và tiền có điều kiện thi hành đều giảm; lượng án có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ; công tác hướng dẫn nghiệp vụ, nhất là chỉ đạo đối với những vụ án lớn, giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài còn chậm.
Riêng đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, đã thi hành xong 1.654 việc, tương ứng số tiền hơn 10.524 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo Bộ Tư pháp quý I/2017 diễn ra sáng 26/4, ông Mai Lương Khôi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, số việc thi hành án liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm 3% tổng số vụ việc thụ lý nhưng chiếm 55% số tiền thi hành án.
“Liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục thi hành án dân sự luôn đặc biệt quan tâm. Hiện nay, 63 Cục thi hành án địa phương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ký quy chế với Ngân hàng Nhà nước để tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết”, ông Khôi cho biết.