Đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Ảnh: Minh Dũng |
Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” ngày 7/12, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Đào Minh Tú cho biết, lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại còn ở mức khá cao, một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.
Từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp (đáp ứng/không đáp ứng điều kiện cho vay) để bảo đảm cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề xuất, để nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…). Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV; xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng, trá hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp (qua mạng và đòi nợ thuê)…
Từ góc độ khác, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tăng trưởng tín dụng chưa cao chủ yếu do nhu cầu vốn thấp, kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn. Theo ông Lực, với các giải pháp giảm lãi suất và thúc đẩy giải ngân, tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm sẽ tăng nhanh, dự báo đạt mức 11 - 12% cho cả năm nay và phù hợp với mức tăng trưởng GDP khoảng 5%.
“Mới đây, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng. Việc này có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm, đáp ứng được nhu cầu của một số ngân hàng và khách hàng cần vay vốn. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có các giải pháp khác để phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để giảm áp lực về vốn lên thị trường tiền tệ”, ông Lực chia sẻ.
Từ góc độ doanh nghiệp, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Phước Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phước Hưng cho biết, ở thời điểm hiện nay, việc vay vốn ngân hàng với doanh nghiệp không khó khăn, nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi 5%/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn vì thiếu đơn hàng. “Doanh nghiệp thu mua lúa gạo để xuất khẩu. Năm nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được khối lượng lớn, nguồn cung lúa gạo trong nước không còn nhiều nên giá cả tăng, trong khi các đối tác nhập khẩu đặt hàng ở mức thấp. Có thể đến đầu năm 2024, khi vào vụ lúa mới, cung hàng hóa nhiều hơn và giá cả ở mức hợp lý hơn thì chúng tôi sẽ có nhu cầu vay vốn thực hiện các hợp đồng”, ông Hưng chia sẻ.
Trong khi đó, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) cho biết, ông đồng tình với đánh giá của NHNN về khó khăn và các giải pháp đã thực hiện để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, VINASME đề nghị bổ sung một số giải pháp để công bằng hơn với DNNVV trong việc vay vốn ngân hàng.
Theo ông Nam, cần ghi nhận việc nhiều DNNVV đã bình tĩnh điều hành và vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dù kết quả chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, tạo thêm nhiều việc làm trong nền kinh tế. Do đó, đề nghị ngành ngân hàng có đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn với DNNVV, xem xét hạn mức cho vay với nhóm doanh nghiệp này cao hơn khi đánh giá tài sản bảo đảm. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ vay được ở mức 60% giá trị của tài sản bảo đảm do ngân hàng định giá ở mức thấp. Điều này là không công bằng, nếu định giá đúng 100% và cho vay ở mức 80% giá trị tài sản bảo đảm thì khối lượng vốn tín dụng giải ngân cho khu vực này sẽ tăng đáng kể.
Mặt khác, theo ông Nam, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, có thể cho doanh nghiệp vay vốn mới ngay sau khi trả được nợ xấu thay vì phải chịu thêm khoảng thời gian thử thách. Như vậy, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn liên tục. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh các cuộc trao đổi trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp để cùng tháo gỡ các nút thắt, lưu thông nguồn vốn, tránh tình trạng ngân hàng thừa vốn mà doanh nghiệp vẫn khát vốn. Về lâu dài, cần tính đến việc xem xét các tài sản bảo đảm khác như thương hiệu, bằng phát minh sáng chế để doanh nghiệp có thêm cơ hội vay vốn.