Hội đồng điều phối vùng thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: VGP |
Không để các dự án bị kéo dài do thiếu liên kết
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng phát triển vùng Đông Nam Bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong Vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong Vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả. Xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn Vùng. Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, úng ngập cục bộ tại TP.HCM và một số địa phương trong Vùng chưa được giải quyết.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong Vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương của Vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn vùng Đông Nam Bộ.
Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ phối hợp được thực hiện thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án lớn để thúc đẩy động lực phát triển khu vực. Phương thức điều phối trên 6 lĩnh vực gồm: Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; Đầu tư phát triển; Xây dựng các cơ chế, chính sách; Giải quyết các vấn đề liên kết vùng; Kế hoạch điều phối liên kết vùng; Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
"Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng như các hoạt động liên kết theo 6 lĩnh vực đã đề ra cũng như góp phần giải quyết các bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được như các vấn đề giao thông liên vùng, ùn tắc giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường,… đồng thời có thể giải quyết những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng, tại Đông Nam Bộ, hàng loạt dự án mang tầm khu vực, trọng điểm quốc gia như Vành đai 3, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến metro số 1, metro số 2… do chưa có sự điều phối hiệu quả đã kéo dài thời gian chuẩn bị, thực hiện, bàn giao mặt bằng, có dự án phải kéo dài hơn 10 năm. Với tốc độ, tư duy triển khai dự án như vậy, sẽ mất quá nhiều thời gian, lỡ nhiều cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư.
Ưu tiên cho các dự án kết nối, kêu gọi mọi nguồn lực
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Đông Nam Bộ là khu vực đặc biệt khi hội tụ 5 phương thức vận tải (đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển và cảng hàng không).
"Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng vẫn còn tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến Vành đai 3, 4 TP.HCM chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP.HCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô. Do đó, chúng ta cần ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách trung ương 60.800 tỷ đồng; ngân sách địa phương 29.700 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ đồng; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.
Ưu tiên nguồn lực cho kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông Vùng được xác định hàng đầu trong việc triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng. Các địa phương cho biết, hoàn toàn có thể phát huy được các kênh dẫn vốn để hoàn thành mục tiêu này.
Ảnh minh họa: Internet |
"Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế tư nhân phát triển năng động nhất, thu hút FDI trực tiếp lớn nhất, vùng đô thị lớn nhất, tỷ lệ đô thị hóa cao nhất, tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, tỷ lệ lao động tay nghề cao, y tế chuyên sâu cao nhất… Nếu tận dụng các cơ hội tốt từ thể chế hóa liên kết vùng, đặc biệt cơ chế về PPP phát triển hạ tầng sẽ thu hút được các nhà đầu tư mạnh cả trong lẫn ngoài nước", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối Vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng. Hội đồng điều phối Vùng là tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng. Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối Vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, mô hình hội đồng vùng mới khi ban hành cùng các cơ chế, chính sách vượt trội để tạo đột phá phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh và bền vững, nhất là cơ chế chính sách về đất đai, về phân cấp, ủy quyền; về ưu đãi đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp là hạt nhân của chuỗi sản xuất, phân phối.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đề xuất thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông Vùng. Theo đó, Quỹ bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn khác. Quỹ có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng. Việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn Vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong Vùng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vùng Đông Nam Bộ có nhiều lợi thế về đầu tư từ khu vực tư nhân, khu vực FDI. Vùng cần đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của từng địa phương trong Vùng, lấy TP.HCM làm hình mẫu để “tinh mà mạnh”.