Thay đổi để tạo nên kỳ tích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối với nhiều doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, việc có thể tăng trưởng và đạt thành công như những tên tuổi lớn Samsung, Hyundai… giống như một giấc mơ siêu thực. Tuy nhiên, nếu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… và một số quốc gia châu Á khác trong nửa sau của thế kỷ XX, giấc mơ trên có thể trở thành sự thật.
Nhật Bản từ lâu đã trở thành ví dụ cho “kỳ tích kinh tế” khi từ quốc gia nghèo khó, bị tàn phá bởi chiến tranh vươn lên mạnh mẽ
Nhật Bản từ lâu đã trở thành ví dụ cho “kỳ tích kinh tế” khi từ quốc gia nghèo khó, bị tàn phá bởi chiến tranh vươn lên mạnh mẽ

Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu đã trở thành ví dụ cho “kỳ tích kinh tế” khi từ quốc gia nghèo khó, bị tàn phá bởi chiến tranh vươn lên mạnh mẽ, nhanh chóng đạt tới ngưỡng của quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Với việc tìm hiểu và phân tích các bài học từ “kỳ tích kinh tế” trên thế giới, các quốc gia đang phát triển hiện nay có thể tạo nên phép màu của riêng mình.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, các quốc gia kể trên có thể tạo nên những kỳ tích kinh tế nhờ việc áp dụng 3 chiến lược. Thứ nhất, chính phủ đặt mục tiêu tham vọng và có chiến lược đạt được mục tiêu bằng cách cổ vũ và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, hướng tầm nhìn của doanh nghiệp về lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và xác định hướng đi dài hạn.

Thứ hai, chính phủ hiểu rõ cần đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu, mục tiêu thâm nhập các nền kinh tế có thu nhập cao, đồng thời có bước nhảy vượt rào về tăng trưởng.

Thứ ba, các nhà chính sách cần cổ vũ văn hoá cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo mọi thuận lợi để cổ vũ khối kinh doanh.

Dễ nhận thấy, các quốc gia này đã đạt được thành tựu thông qua việc chính phủ có các chính sách phát triển công nghiệp giúp doanh nghiệp nội địa có bệ đỡ để tăng tốc, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Cùng với đó, quyết tâm chính trị, chiến lược phát triển phù hợp và sự thích ứng của toàn bộ nền kinh tế trở thành động lực đưa quốc gia tiến về phía trước với tốc độ ấn tượng.

Một điểm chung của các cuộc cải tổ chính là luôn nhận về chỉ trích trong giai đoạn khởi đầu. Tuy nhiên, chỉ có dũng cảm thay đổi mới đủ sức làm nên kỳ tích.

Nỗ lực tự thân

Là một cường quốc kinh tế ở châu Á và trên thế giới, Nhật Bản đã chứng kiến 2 thời kỳ cải cách triệt để gồm cải cách do Chính phủ Minh Trị mới thành lập thực hiện vào những năm 1868 - 1885 và cuộc cải cách được tiến hành ngay sau chiến tranh, giai đoạn 1945 - 1965.

Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Nhật Bản giai đoạn 1885 - 1936 vào khoảng 3,1%, cao hơn nhiều so với những quốc gia khác cùng thời, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình 9,53% trong thời kỳ tăng trưởng cao sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Có 3 đặc điểm lớn gắn với việc cải cách kinh tế, xác định mô hình tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Nhật Bản. Thứ nhất, động cơ tăng trưởng chính là việc nhập khẩu tích cực công nghệ của nước ngoài. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, công nghệ mới trong các ngành công nghiệp máy móc, điện tử và hoá dầu đã được đưa vào Nhật Bản một cách mạnh mẽ. Đáng chú ý, việc nhập khẩu công nghệ vào Nhật Bản không ghi nhận dấu ấn đáng kể của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thay vào đó, đóng vai trò quan trọng nhất là việc mua máy của nước ngoài và cử các kỹ sư ra nước ngoài nghiên cứu.

Thứ hai, sự tăng trưởng của Nhật Bản chủ yếu được tài trợ bởi những khoản tiết kiệm trong nước, hạn chế phụ thuộc vào vốn nước ngoài.

Thứ ba, sự tăng trưởng của nông nghiệp diễn ra trước tăng trưởng trong công nghiệp và vẫn tiếp tục sau đó.

Những cải cách lớn nhất giúp tái thiết nền kinh tế Nhật Bản bao gồm: Cuối năm 1945, lệnh cải cách ruộng đất ở nông thôn được ban hành. Cuộc cải cách ruộng đất này đã tạo ra cơ sở để tăng năng suất nông nghiệp và ổn định các vùng nông thôn. Cũng trong năm 1945, lệnh giải tán các zaibatsu (tập đoàn tài phiệt) được đưa ra. Năm 1947, Luật Chống độc quyền được ban hành. Tiếp theo là Luật Thủ tiêu tình trạng tập trung quá mức sức mạnh kinh tế được ban hành bổ sung cho Luật Chống độc quyền. Những cải cách dân chủ hóa kinh tế này có tác dụng nâng cao vị trí của tư bản công nghiệp, khuyến khích tinh thần kinh doanh và đầu tư.

Từ năm 1965 - 1973 là thời kỳ nền kinh tế Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng rất cao. GDP thực tế theo giá so sánh hàng năm (năm gốc là 1965) trong thời kỳ này hầu hết đều có tốc độ tăng lên tới hai chữ số. Chính trong thời kỳ này, kinh tế Nhật Bản đã đuổi kịp các nền kinh tế tiên tiến của thế giới. Nếu vào năm 1950, GNP (tổng sản phẩm quốc gia) của Nhật nhỏ hơn của bất cứ nước phương Tây nào và chỉ bằng vài phần trăm so với Mỹ, thì đến năm 1960 đã vượt qua Canada, giữa thập niên 1960 vượt qua Anh và Pháp, năm 1968 vượt Đức. Năm 1973, GNP của Nhật Bản bằng một phần ba của Mỹ và lớn thứ hai trên thế giới.

Các ngành công nghiệp then chốt tăng trưởng nhanh chóng. Do hầu như không có mỏ dầu, Nhật Bản đứng đầu các nước tư bản về nhập và chế biến dầu thô. Năm 1960, ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản đứng thứ 6 trên thế giới và tới năm 1967 vươn lên thứ 2, sau Mỹ… Sự phát triển nhanh của một số ngành kinh tế lớn đã làm thay đổi cơ cấu ngành sản xuất của Nhật Bản. Tỷ trọng các ngành nông - lâm - ngư nghiệp giảm đi đáng kể, thay vào đó là tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ.

Kỳ tích sông Hàn

Những năm 1960, Hàn Quốc là một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người khoảng 80 USD/năm, chi tiêu chính phủ chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Sau nửa thế kỷ phát triển, Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ về kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 7,6%, liên tục trong 40 năm, làm nên “kỳ tích sông Hàn”. Từ đầu thập niên 1990, Hàn Quốc đã trở thành một trong 4 “con rồng kinh tế châu Á”.

Năm 1968 đánh dấu sự khởi đầu hành trình chấn hưng dân tộc của Hàn Quốc với bước đột phá từ cải cách giáo dục. Tìm ra bí kíp thành công của người hàng xóm Nhật Bản, đó là phát huy sức mạnh nguồn nhân lực và điểm khởi đầu là giáo dục, Hàn Quốc quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học.

Quan điểm “theo đuôi” Nhật Bản trong cải cách giáo dục lúc đó bị nhiều nhân vật trong chính giới Hàn Quốc chỉ trích, phản đối. Nhưng quan điểm “lấy kinh nghiệm của người khác về áp dụng cho mình” đã thắng thế. Việc cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa vẫn được thực hiện theo hướng đó, với luận giải: “Để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ sách giáo khoa, giáo trình và phương pháp đào tạo của nền giáo dục phương Tây cho phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, cách hiệu quả nhất là lấy kinh nghiệm của người khác, còn dành nguồn lực để lo các việc quan trọng khác”.

Giai đoạn giữa những năm 1980, tổng doanh thu từ 5 tập đoàn kinh tế lớn chiếm gần 66% GNP của Hàn Quốc. Samsung và Hyundai lọt tốp 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Giai đoạn 1973 - 1996, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của quốc gia này đạt 11,2%. Cuối năm 1995, Hàn Quốc đứng thứ 11 trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 11 trên thế giới, dẫn đầu về các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất chất bán dẫn… Nhiều thương hiệu của Hàn Quốc như: Samsung, LG, Hyundai, Daewoo… đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc và ngành công nghiệp thế giới.

Bên cạnh sự phục hồi và phát triển thần kỳ của nền kinh tế, Hàn Quốc cũng nhanh chóng quảng bá văn hoá ra thế giới, biến văn hóa thành thứ “quyền lực mềm” chinh phục thế giới. Qua những bộ phim, chương trình truyền hình và âm nhạc, Hàn Quốc truyền bá về đất nước, con người cho cả châu Á. Hiện nay, Hàn Quốc nằm trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu văn hóa. Làn sóng văn hoá Hàn Quốc đã và đang lan rộng, được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Một trong những nhân vật quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn tới “kỳ tích sông Hàn” là ông Park Chung Hee, Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc. Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Park đã chỉ rõ sự khác biệt trong xuất phát điểm của Hàn Quốc so với phương Tây. Từ đó, ông đưa ra chủ trương ưu tiên đẩy mạnh công nghiệp hóa, giúp Hàn Quốc theo kịp trình độ phát triển của thế giới lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, bất chấp việc bị chỉ trích là chính phủ độc tài, Tổng thống Park vẫn cương quyết thực hiện đường lối “Trước là công nghiệp hóa. Sau là dân chủ hóa”. Kết quả, sau thế chiến thứ hai, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đồng thời hoàn thành hai mục tiêu công nghiệp hóa và dân chủ hóa.

Bước nhảy của hổ

Khi tách khỏi Liên Xô năm 1991, Estonia là một quốc gia nghèo, cần xây dựng một nhà nước hiện đại, hiệu quả và dân chủ. Thời điểm đó, họ không có mạng lưới cơ quan thuế, không có văn phòng dịch vụ xã hội nào. Cải cách cần được thực hiện ở mọi lĩnh vực. Chính phủ lâm thời đã nhìn nhận đây là một cơ hội để tái thiết đất nước theo một cách khác, một xã hội mới với những bước chuyển mình đầy sáng tạo. Estonia trở thành một quốc gia luôn luôn thử nghiệm những điều mới mẻ, những ý tưởng chính sách mới với giá cả phải chăng như ý tưởng số hoá.

Ngày nay, Estonia thường được mô tả là một xã hội kỹ thuật số công nghệ cao. Phần lớn các dịch vụ công ở quốc gia Baltic 1,3 triệu dân này đã được cung cấp trực tuyến 24/7, tính toàn vẹn dữ liệu được đảm bảo với công nghệ block-chain.

Tuy nhiên, sự lựa chọn công nghệ ban đầu không phải là một điều dễ dàng. Họ muốn khai thác tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp dịch vụ công cộng rẻ hơn và cho phép khu vực nông thôn dễ dàng tiếp cận. Quyết định đầu tư nguồn lực khan hiếm của một quốc gia mới độc lập vào việc xây dựng các kết nối Internet, trang bị các điểm truy cập mạng miễn phí cho các trường học và thư viện công cộng đã được đánh giá là rất rủi ro. Việc sửa chữa điện, đường, tòa nhà hay trường học được hy sinh để đầu tư vào các công nghệ mới.

Mặc dù giai đoạn đầu rất khó khăn, nhưng khi nhìn lại, quyết định này đã mang lại cho xã hội Estonia động lực để thực hiện một bước nhảy số, thay đổi nhiều lĩnh vực.

Nguyên Tổng thống Estonia Toomas Hendrik IIves chia sẻ, cá nhân ông đã bị công kích vì chuyển đổi số trong gần 10 năm liên tục, bắt đầu từ việc thúc đẩy tin học hóa các trường học cho đến việc số hóa toàn bộ quy trình quản trị. “Tôi đề xuất đưa máy vi tính vào trường học và giảng dạy về máy vi tính cho tất cả học sinh. Ý tưởng đó mang tên “Bước nhảy của hổ” (Tiger leap), để hàm ý thông qua tin học hóa, đất nước Estonia, hoặc ít nhất nền giáo dục, sẽ có bước nhảy mạnh mẽ trong tương lai. Hai thập kỷ sau đề xuất của tôi về việc số hóa trường học, phe đối lập một thời từng chỉ trích tôi đã lên nắm quyền và giờ đây đi khắp thế giới tuyên bố Estonia là “Cộng hòa số đầu tiên trên thế giới”, vị cựu Tổng thống chia sẻ.

Cuối cùng, chuyển đổi số đang diễn ra trên khắp thế giới. Cuộc khủng hoảng do Covid-19, nhu cầu giảm tiếp xúc trực tiếp và sự đông đúc trong các cơ quan chính phủ đã thúc đẩy số hóa nhanh hơn những gì người ta từng nghĩ trước khi xảy ra khủng hoảng. Những chính phủ chuyển dịch nhanh chóng sẽ đi trước những chính phủ còn chần chừ và lê bước. Những quốc gia đó cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức mới nảy sinh.

Chuyên đề