Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/5/2022 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên |
Vốn lớn, giải ngân chậm
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31/5/2022 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%). Trong đó, vốn trong nước đạt 23,53% (cùng kỳ năm 2021 đạt 24,53%), vốn nước ngoài đạt 6,16% (cùng kỳ năm 2021 đạt 2,97%).
Có 5 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như Ngân hàng Phát triển (49,42%), Văn phòng Chính phủ (38,88%), Lâm Đồng (49,4%), Bình Thuận (41,98%), Tiền Giang (39,1%). Tuy nhiên, còn có 41 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Nhiều bộ, địa phương có số vốn kế hoạch lớn nhưng tiến độ giải ngân ước đến 31/5/2022 còn chậm. TP.HCM có kế hoạch vốn năm 2022 được giao là 54.268 tỷ đồng, ước giải ngân đến hết tháng 5 mới được 7,4%; Hà Nội kế hoạch vốn 51.582 tỷ đồng, ước giải ngân được 12,5%. Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Nam, Bình Phước, Cần Thơ… cũng là những địa phương có số vốn kế hoạch khá lớn nhưng tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân của cả nước.
Bộ Y tế ước giải ngân 11,645 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022, đạt tỷ lệ 0,71%. Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam được giao 3.825 tỷ đồng, ước giải ngân được 38,4 tỷ đồng (1%). Bộ Giáo dục và Đào tạo ước giải ngân được 37,657 tỷ đồng (2,63%). Đại học Quốc gia Hà Nội kế hoạch vốn năm 2022 là 1.172 tỷ đồng, ước giải ngân được 50,1 tỷ đồng (4,28%). Bộ Tư pháp ước giải ngân được 50,3 tỷ đồng (4,64%). Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều giải ngân dưới 10%.
Tổ công tác nhập cuộc
Đầu tháng 5/2022, 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã được thành lập. Tại những cuộc làm việc đầu tiên, các tổ công tác đã lắng nghe, nắm bắt từng khó khăn, vướng mắc của bộ, địa phương, trực tiếp tháo gỡ nhiều vấn đề…
Theo một số đơn vị, có nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, như việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư công; giải ngân vốn ODA; quản lý giá vật liệu xây dựng; quy định của pháp luật liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… Bên cạnh đó, có những dự án của các bộ, ngành được triển khai ở nhiều địa phương, năng lực của một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn bất cập. Đặc biệt, vấn đề giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của nhà thầu. Nhiều địa phương đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, trình Chính phủ có phương án hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu thi công bị ảnh hưởng bởi giá nguyên nhiên vật liệu xây dựng tăng cao.
Tại cuộc làm việc của Tổ công tác số 1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các cơ quan, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp tập trung nêu rõ về năng lực giải ngân của từng dự án, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ giải ngân, đề xuất giải pháp. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, nếu có vướng mắc về chính sách pháp luật, các đơn vị cần kiến nghị rõ để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi kịp thời. Các bộ, ngành phải xác định rõ tinh thần nếu dự án nào không kịp triển khai thì sớm điều chuyển vốn, còn nếu đã quyết tâm giải ngân thì phải nhanh chóng có biện pháp triển khai quyết liệt, thường xuyên rà soát, cập nhật tiến độ theo các mốc tháng 6, tháng 9 và tháng 12…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 nhận định, nhiều địa phương tuy không đạt mức bình quân chung của cả nước, nhưng có tăng so với cùng kỳ năm trước, là dấu hiệu thể hiện sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương quan tâm đến công tác chuẩn bị đầu tư, chủ động hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý giá vật liệu xây dựng… Việc tổ chức thực hiện cần sát sao hơn nữa, phân công rõ người, rõ việc, rõ mục tiêu, tiến độ, gắn với kiểm tra, giám sát, đánh giá. Lãnh đạo các đơn vị phải sâu sát, nắm rõ từng dự án, từng khó khăn, vướng mắc cụ thể để kịp thời tháo gỡ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng phân minh theo đúng tinh thần “người thật, việc thật, hiệu quả thật”…