Tháo gỡ tình trạng “tắc biên”: Đâu là giải pháp căn cơ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần 1 tháng nay, hàng nghìn xe hàng xuất khẩu của Việt Nam ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc đang gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, câu chuyện “tắc biên” không mới, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Hàng nghìn xe chở hàng hóa nông, thủy sản đang bị ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc. Ảnh: Tấn Tiên
Hàng nghìn xe chở hàng hóa nông, thủy sản đang bị ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc. Ảnh: Tấn Tiên

Sốt ruột với ách tắc hàng hóa

Theo Bộ Công Thương, đến ngày 25/12/2021, đang có khoảng 6.000 xe hàng hóa bị ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc (Quảng Ninh còn 1.555 xe, Lạng Sơn 4.204 xe). Trong số đó phần lớn là xe chở hàng hóa nông, thủy sản dễ bị hư hỏng. Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thiệt hại hiện lên đến 2.000 tỷ đồng.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết, từ tháng 12/2021, Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập khẩu gắn với yêu cầu, điều kiện trong phòng, chống dịch Covid-19 phức tạp hơn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc, dẫn tới tình trạng ùn ứ xe container như trên.

Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng, bao gồm hạ tầng thương mại, logistics cửa khẩu biên giới đường bộ giữa hai nước chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương. Trong khi đó, kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc tuyến Lào Cai - Hà Khẩu và Đồng Đăng - Bằng Tường chưa đồng bộ, không thể phát huy đầy đủ vai trò trong vận tải, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tải cho đường bộ.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Kho vận Việt Nam nhìn nhận, đúng là phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Đường sắt Việt Nam vẫn đang thực hiện quá cảnh qua Trung Quốc để đi các tuyến khác với khối lượng không nhiều… Vận tải thủy sang Trung Quốc cũng gặp không ít trở ngại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Một nguyên nhân khác cũng được chuyên gia nhắc tới là nông sản Việt Nam phần lớn xuất khẩu theo tiểu ngạch, nên mỗi khi phía Trung Quốc có thay đổi hoặc điều chỉnh quy định thì ngay lập tức chịu tác động tiêu cực.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Thực tế cho thấy, việc ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu không phải lần đầu tiên xảy ra đối với DN Việt Nam khi dịch Covid-19 xuất hiện, mà đã diễn ra khá nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giải quyết “nút thắt” này lâu nay vẫn theo tính chất sự vụ, chưa có giải pháp căn cơ.

Đề xuất giải pháp, đại diện Công ty CP Kho vận Việt Nam cho rằng, lúc này, cần thực hiện ngay những giải pháp tháo gỡ nhằm giảm thiệt hại tối đa cho DN và người dân. Mặt khác, cần thực hiện những giải pháp có tầm nhìn dài hạn, ví dụ như lập một trung tâm logistics ở vùng đệm phía biên giới hai nước. Khi có trung tâm này, các phương tiện vận chuyển hàng hóa vào đó được kiểm tra. Kết quả kiểm tra được hai bên thống nhất sử dụng sẽ giúp giải tỏa nhanh hàng hóa, tránh tình trạng chậm trễ như hiện nay.

Cùng với đó, DN sản xuất Việt Nam cần có chiến lược kinh doanh bài bản; sản phẩm phải có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường lớn một cách dễ dàng. Công tác thông tin dự báo thị trường tốt nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN…

Nhằm giải quyết tình trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, cần có giải pháp cả trước mắt và dài hơi. Theo đó, giải pháp trước mắt là Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các cơ quan và địa phương biên giới làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa, trong đó ưu tiên cho hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các xe hàng, container hiện đang ùn ứ.

Đồng thời, UBND các địa phương có hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu thông báo rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, DN và người dân biết về tình hình thông quan, xác định rõ số lượng phương tiện có thể được vận tải hàng hóa lên cửa khẩu mỗi ngày và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không ùn tắc tại cửa khẩu.

Về lâu dài, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan, UBND các tỉnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan để bàn bạc, hình thành các “vùng xanh”, “luồng xanh” an toàn dịch bệnh tại khu vực biên giới, góp phần đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hoá qua cửa khẩu một cách an toàn. Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để bảo quản, quản lý hàng hóa. DN tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa; mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường để giảm thiểu rủi ro…

Chuyên đề