Lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn duy trì |
Dù thanh khoản trên liên ngân hàng rất dồi dào nhờ việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, song để liên thông với thị trường 1 sẽ cần thêm điều kiện đi kèm.
Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, phía Ngân hàng Nhà nước đã thông báo giảm đồng loạt 25 điểm phần trăm đối với lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất OMO và tín phiếu. Đây đều là lãi suất giữa giao dịch của nhà điều hành và các ngân hàng thương mại, trong đó 2 mức lãi suất được sử dụng nhiều nhất tại nghiệp vụ thị trường mở là OMO và tín phiếu được giảm lần lượt về mức 4,5%/năm và 2,5%/năm.
Khác với các nước, Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2)… Do đó, giới chuyên gia cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành trên chỉ mang ý nghĩa tâm lý chứ không mang ý nghĩa là nới lỏng tiền tệ.
Cũng trong khoảng thời gian trên, khi mà VND "mạnh không đúng lúc" đã khiến tỷ giá USD/VND giảm sâu trên thị trường liên ngân hàng. Theo công bố mới nhất từ ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhờ đợt giảm sâu này, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã nâng lên con số kỷ lục, khoảng 70 tỷ USD.
Quỹ dự trữ lên kỷ lục đồng nghĩa với việc, lượng tiền VND tương ứng được chảy ra thị trường. Thanh khoản trên hệ thống liên ngân hàng vì lẽ đó cũng rất dồi dào.
Thực tế cho thấy, dù lãi suất tín phiếu được giảm xuống mức 2,5%/năm và quy mô chào thầu liên tục tăng nhưng các tổ chức tín dụng vẫn hấp thụ được hết, chênh lệch lãi suất qua đêm giữa VND và USD trên liên ngân hàng còn có thời điểm chuyển sang âm. Tính đến ngày 7/10, Ngân hàng Nhà nước đã đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 90.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiền dư thừa trên liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu tạm thời, không dùng để cấp tín dụng nên tính liên thông với thị trường 1 không cao. Hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động, thậm chí nhiều ngân hàng còn tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài kỳ.
Cụ thể, lãi suất huy động trên thị trường 1 vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng và 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Mặt khác, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8,64%, trong khi huy động vốn tăng 9,03% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%.
Thông thường, con số tăng trưởng thực tế cả 9 tháng sẽ cao hơn. Như năm 2018, số tăng trưởng tín dụng chốt quý 3 là 10,33%, cao hơn số công bố ngày 20/9/2018 tới 0,81% chỉ trong 6 ngày làm việc cuối quý.
Tuy vậy, dù có đẩy mạnh giải ngân trong 3 ngày làm việc cuối tháng (tính từ 24/9/2019), dự tính con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2019 cũng sẽ chỉ quanh 9%, tức là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn giữ ở mức 14%, dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2019 còn rất lớn và nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại sẽ vẫn ở mức cao khiến lãi suất khó giảm.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI lại cho rằng: "Nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua, lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020".